Chủ động thích ứng với mùa khô Tây Nguyên

01/03/2024 08:25:38 GMT+7

Chủ động nguồn nước tưới

Ông Y Phông (buôn Ea Ktur, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin) cho hay, gia đình ông có khoảng 7 sào đất trồng xen canh cà phê và hồ tiêu. Gắn bó với cây cà phê hơn 10 năm nay, ông Y Phông nhận định, việc chăm sóc cây cà phê quan trọng nhất là thời điểm tưới nước.

Nếu tưới muộn, cây sẽ bị rụng lá, khô cành, còn tưới sớm khi cây chưa phân hóa mầm hoa sẽ làm cho cà phê nở hoa không đều, khó khăn trong thu hoạch và ảnh hưởng đến năng suất. Do đó, nguyên tắc tưới cho cây cà phê là phải đúng lúc, đủ nước.

Chính vì vậy, trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn khoảng một tuần, gia đình ông đã tiến hành cắt tỉa cành và tranh thủ tưới nước đợt một cho cây cà phê. Đến ngày mùng 10 Tết, gia đình lại tiếp tục tưới đợt hai nhằm bảo đảm cung cấp đủ nước cho cây trong thời kỳ ra hoa, đậu trái.

Bà Lê Thị Thảo (thôn 9, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin) tưới đợt hai cho vườn cà phê của gia đình.

Giống như nhiều hộ trồng cà phê, những ngày này, bà Lê Thị Thảo (thôn 9, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin) cũng đang tập trung tưới nước đợt hai cho vườn cà phê của gia đình.

Theo bà Thảo, sau khi thu hoạch, cây cà phê đã suy kiệt, nên người trồng phải cung cấp chất dinh dưỡng kịp thời cho cây bằng cách bón phân, tưới nước. Bình quân mỗi năm người trồng cà phê phải tưới 3 đợt cho cây, còn năm nào thời tiết nắng nóng kéo dài phải tưới 4 - 5 đợt mới đảm bảo cây đủ nước. Hiện gia đình đang sử dụng phương pháp tưới dí từ nguồn nước giếng khoan để tưới cho cây cà phê.

Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư Kuin Y Tong Bkrông cho biết, trên địa bàn huyện có 39 hồ, đập và một số suối cạn, giếng khoan… phục vụ tưới cho 12.072 ha cà phê. Tình hình nguồn nước cơ bản đáp ứng được nhu cầu tưới cho cây trồng trong mùa khô.

Tuy nhiên, trước diễn biến thất thường của khí hậu trong năm 2024, đơn vị đã chủ động tham mưu cho UBND huyện về phương án phòng, chống hạn trên địa bàn nhằm đảm bảo vụ sản xuất hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra.

 

Trong năm 2023, tỉnh triển khai 65 dự án thủy lợi, với tổng mức đầu tư gần 1.600 tỷ đồng, góp phần phục vụ ngày càng tốt hơn cho sản xuất và phòng, chống thiên tai. Tuy nhiên, hiện nay mới bắt đầu bước vào giữa mùa khô, nông dân cần ý thức dùng nước tưới tiết kiệm và có giải pháp tích nước để phục vụ cây trồng vào cuối mùa khô.

Tại xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột), hiện các hộ dân trồng cà phê cũng đang tập trung tưới đợt hai. Theo cán bộ phụ trách nông nghiệp của địa phương, toàn xã có 1.600 ha cà phê, trong đó có 80% diện tích đang thời kỳ kinh doanh.

Hiện nay đang bắt đầu bước vào cao điểm mùa khô của Tây Nguyên, theo dự báo thì khả năng mùa khô năm nay sẽ diễn ra gay gắt hơn mọi năm nên nguy cơ diện tích cà phê bị thiếu nước rơi vào khoảng 10% (160 ha).

Do đó, xã đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi (Chi nhánh Buôn Ma Thuột) thực hiện tích nước ở hồ Ea Kao, điều tiết nước hợp lý ở các cánh đồng lúa để bảo đảm nước tưới cho cây cà phê trong mùa khô cạn.

Thích ứng trong dài hạn

Theo số liệu năm 2023, Đắk Lắk hiện có trên 200.000 ha cà phê, trong đó diện tích tưới từ công trình thủy lợi là 58.806 ha; diện tích còn lại được tưới từ các sông, suối, ao, hồ, giếng…

Để bảo đảm nguồn nước tưới cũng như việc phát triển bền vững cho cây cà phê trong mùa khô, ngoài đầu tư xây dựng hệ thống các công trình thủy lợi thì việc phát triển sản xuất xanh được nhiều hộ nông dân chú trọng ứng dụng.

Ông Lê Văn Tâm (thôn Cao Thắng, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, gia đình ông có 4,5 ha cà phê, trong đó có 2 ha đang tái canh. Những năm trước, cứ vào mùa khô là gia đình rất lo lắng về nước tưới vì vườn không có cây che bóng, cỏ được làm sạch, nên khi trời nắng kéo dài khoảng chục ngày là vườn cây khô héo rất nhanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất nếu không kịp tưới.

Sau này, các hộ dân liên kết sản xuất với doanh nghiệp, được hướng dẫn các phương pháp canh tác bền vững bằng cách trồng cây che bóng, trồng xen canh các loại cây (hồ tiêu, cây ăn trái…), trồng thảm cỏ phủ dưới đất nhằm xây dựng đa tầng tán trên vườn cà phê. Nhờ đó, khi vào mùa khô, vườn cây vẫn tươi tốt, lượng nước, phân bón, thuốc bảo vệ cũng được nông dân dùng ít lại.

Hơn thế, sản phẩm được nâng cao giá trị vì đáp ứng được xu hướng tiêu dùng xanh của thị trường thế giới. Bên cạnh đó, để tiết kiệm nước tưới, hộ ông Tâm còn đầu tư hệ thống tưới phun mưa cho 3 ha.

“Mặc dù chi phí ban đầu hơi nhiều, nhưng về lâu dài thì nông dân rất khỏe. Chỉ cần mở van tưới và căn thời gian tưới phù hợp, sau đó nông dân sẽ tranh thủ làm việc khác, không phải tốn lao động cho công việc tưới như trước đây”, ông Tâm chia sẻ.

Nông dân xã Ea Drông, TX. Buôn Hồ tưới đợt hai cho vườn cà phê.

Theo Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), trên thực tế, cây cà phê chỉ cần lượng nước từ 340 – 400 lít/cây/lần. Nếu tưới mức như vậy, nông dân có thể tiết kiệm được hơn 50% lượng nước so với cách tưới dí như hiện nay. Đặc biệt, tưới nước vừa đủ sẽ giúp người dân giảm đáng kể lượng phân bón cho cây do không bị nước dư thừa cuốn trôi.

Ngoài ra, trong cơ cấu giống, hiện WASI đã nghiên cứu và sản suất thành công 4 dòng cà phê vối chín muộn (TR9, TR11, TR12, TR13) nhằm chuyển dần thời gian thu hoạch cà phê vào đúng mùa khô và giảm được lượng nước tưới cho cây khi không phải trải qua mùa khô kéo dài như những giống khác.

Hiện toàn tỉnh có trên 45.670 ha áp dụng quy trình sản xuất bền vững, chiếm khoảng 22,12% diện tích cà phê toàn tỉnh. Ngành nông nghiệp đã chủ động, tích cực tham gia vào việc thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi, phát triển kinh tế xanh và tiếp tục thực hiện công tác tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới cho người dân trồng cà phê để thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu và xu hướng tiêu dùng của thị trường thế giới.

Minh Thuận - Thúy Nga

Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

Liên kết website

Mở liên kết
Bottom