Phát triển sản xuất xanh: Đòn bẩy giá trị cho sản phẩm cà phê

26/04/2024 08:25:43 GMT+7

Chính vì vậy, ngành nông nghiệp Đắk Lắk đang từng bước chuyển mình theo hướng sản xuất xanh, sạch, có chứng nhận để tạo ra các sản phẩm phù hợp với xu thế tiêu dùng toàn cầu.

Đưa “rừng” về vườn

Những năm qua, nông nghiệp Đắk Lắk đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, diện tích và năng suất một số cây trồng chủ lực như cà phê, tiêu, sầu riêng luôn đứng nhất, nhì cả nước.

Để bắt kịp với xu hướng tiêu dùng xanh của nền kinh tế toàn cầu, nhiều nhà vườn đã quan tâm đến sản xuất nông nghiệp bền vững thông qua các giải pháp xây dựng hệ sinh thái trên vườn cây, giảm dần và tiến đến chấm dứt việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, dùng vừa đủ các loại phân bón…

Vùng nguyên liệu cà phê đạt chứng nhận EUDR (Quy định không gây mất rừng của Liên minh châu Âu) của Simexco Daklak.

Ông Lê Đình Tư, chủ Trang trại Aeroco Coffee chia sẻ, ở các vùng nguyên liệu của Aeroco, ông cho nông dân xây dựng vườn cà phê theo hướng hữu cơ và tuyệt đối không sử dụng thuốc diệt cỏ, thay vào đó là trồng xen các loại cây đa tầng tán, gồm: cây rừng, cây ăn trái, cà phê, thảm cỏ…, tạo ra một hệ sinh thái rất bền vững trong vườn. Việc trồng xen canh cũng giúp nông dân có thu nhập thường xuyên, giảm chi phí sản xuất do hạn chế đất bị khô, giảm đi lượng nước tưới, phân bón...

Mặt khác, việc đưa “rừng” về vườn cũng tạo ra một tiểu vùng khí hậu rất tốt, môi trường trong lành cho người nông dân và cộng đồng; nông sản từ vườn cũng có chất lượng tốt hơn, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng và đặc biệt, sản phẩm cà phê của nông dân còn được bao tiêu, thu mua với giá cao gần gấp đôi so với giá cà phê thông thường.

Với quy mô lớn hơn, chương trình Sản xuất kết hợp với bảo tồn nguồn tài nguyên và an sinh xã hội huyện Krông Năng giai đoạn 2021 – 2025 do Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH) hỗ trợ thực hiện trên quy mô 23.132 ha cà phê.

Chương trình hướng đến hình thành vùng nguyên liệu bền vững quy mô lớn ở huyện Krông Năng vào năm 2025, được xây dựng xoay quanh mục tiêu tăng trưởng xanh của địa phương và hài hòa với các cam kết phát triển bền vững của thị trường.

Các giải pháp can thiệp đều hướng đến mục tiêu bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đặc biệt là giảm phát thải carbon. Qua hai năm, chương trình đã góp phần giảm 14% lượng phân bón hóa học, 20% lượng nước tưới, giảm 10% lượng phát thải carbon, không còn sử dụng hóa chất cấm và thúc đẩy mở rộng diện tích trồng xen đa tầng tán trên vườn cây…

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc đa dạng hóa cây trồng trong các vườn cà phê hiện chiếm hơn 40% tổng diện tích cà phê của tỉnh.

Tỉnh tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện để các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê đa dạng hóa các loại cây trồng trong vườn cà phê.

Đây được xem là một trong những giải pháp mang lại nhiều hiệu quả cả về kinh tế và môi trường, hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu.

Định vị được giá trị "nông sản xanh"

Đi cùng với việc sản xuất có trách nhiệm là cam kết thu mua sản phẩm cà phê sản xuất từ vùng nguyên liệu bền vững quy mô lớn của Tập đoàn JDE – nhà nhập khẩu, nhà mua cà phê lớn hàng đầu thế giới.

Đây là kết quả đạt được sau thời gian JDE tham gia đồng hành và hỗ trợ trực tiếp cho việc triển khai thí điểm chương trình trong giai đoạn 2019 – 2020 và cả trước đó.

Theo JDE, sản phẩm cà phê sản xuất từ vùng nguyên liệu bền vững quy mô lớn được thí điểm đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh cũng như các yêu cầu về sản xuất có trách nhiệm, không gây ảnh hưởng đến môi trường và nâng cao đời sống của nông dân.

Vườn cà phê canh tác bền vững ở huyện Krông Năng

Đồng hành với nông dân trong lộ trình xây dựng nền nông nghiệp có trách nhiệm, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Daklak) đã tiên phong xây dựng chuỗi liên kết, với 40.000 hộ nông dân, diện tích 50.000 ha để sản xuất cà phê bền vững, đạt các tiêu chuẩn quốc tế và áp dụng các phương thức canh tác mới.

Theo ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Simexco Daklak, doanh nghiệp đang đi theo hướng là phát triển những trang trại, vườn cảnh quan nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm dần về phát khí thải. Tầm nhìn đến năm 2030, Simexco Daklak sẽ có những lô cà phê giảm dần về phát khí thải "zero".

Đặc biệt, đến thời điểm này Simexco Daklak tự hào là đơn vị đầu tiên trên thế giới được Tổ chức Hiệp hội 4C cấp chứng nhận vùng nguyên liệu không gây mất rừng theo tiêu chuẩn EUDR (Quy định không gây mất rừng của Liên minh châu Âu). Và Đắk Lắk là tỉnh đầu tiên của Việt Nam có chứng nhận, chứng minh Đắk Lắk không những là "thủ phủ" cà phê mà cà phê nơi đây còn đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn khắt khe của thế giới.

Tổng diện tích được chứng nhận là 9.437 ha (ở các huyện Krông Ana, Cư M’gar, Krông Năng và TX. Buôn Hồ) của 7.987 hộ nông dân; sản lượng trên 35 nghìn tấn.

Trong thời gian tới, Simexco Daklak sẽ tiếp tục cùng các đối tác mở rộng vùng nguyên liệu không gây mất rừng. Việc triển khai chứng nhận EUDR ở Việt Nam còn là một phần của nỗ lực chung để thúc đẩy sản xuất và kinh doanh bền vững, có trách nhiệm. Đồng thời, góp phần vào việc bảo vệ môi trường toàn cầu, một yếu tố ngày càng được các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng quốc tế quan tâm.

Quy định không gây mất rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) là một bộ quy định quan trọng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê vào Liên minh châu Âu (EU), đảm bảo các sản phẩm không liên quan đến việc phá rừng hoặc suy thoái rừng. Việc tuân thủ EUDR không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn mở rộng cánh cửa thị trường, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm cà phê trên toàn cầu. Đắk Lắk là tỉnh đầu tiên tại Việt Nam đạt được chứng nhận này, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc thực hiện các tiêu chuẩn sản xuất bền vững và có trách nhiệm.

Minh Thuận

Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

TIN NỔI BẬT

Hoa Kỳ mua hạt tiêu Việt Nam nhiều gấp 10 lần Ấn Độ

Trong năm nay, Hoa Kỳ tăng mạnh nhập khẩu hạt tiêu, trong đó vẫn chủ yếu mua hạt tiêu Việt Nam, với lượng cao gấp 10 lần so với nước đứng sau. Hoa Kỳ mua hạt tiêu Việt Nam nhiều gấp 10 lần Ấn Độ

Liên kết website

Mở liên kết
Bottom