Lợi ích kép từ nông nghiệp tuần hoàn

10/04/2024 08:21:01 GMT+7

Sử dụng phân bón vi sinh giúp đất canh tác tơ xốp, ổn định sinh thái vườn

Những năm qua, tác động do BĐKH đối với canh tác nông nghiệp ở Đắk Nông diễn ra rõ rệt. Không chỉ làm đảo lộn, mùa vụ mà vào những tháng cao điểm mùa khô hàng năm, Đắk Nông luôn đối mặt với tình trạng hạn hán, thiếu hụt nguồn nước cho cây trồng.

Trước thực tế đó, Đắk Nông đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng phó với BĐKH hiệu quả. Trong đó, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ, giúp cây trồng chống chịu, thích ứng với biển đổi của thời tiết.

Gia đình ông Nguyễn Văn Dũng, xã Tân Thành, huyện Krông Nô có 5ha cà phê kinh doanh năm thứ 6. Để nâng cao thu nhập, ông Dũng đã tận dụng nguồn vỏ cà phê để ủ hoai làm phân vi sinh và tạo lớp phủ cho cây cà phê.

Cách làm này không chỉ giúp ông Dũng giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập mà còn cải tạo độ phì nhiêu của đất, hạn chế việc sử dụng phân bón hóa học. Ông Dũng cho biết: “Sử dụng phân hữu cơ vi sinh từ phụ phẩm nông nghiệp giúp giảm chi phí phân bón, nước tưới, cải tạo đất..., cà phê phát triển đạt năng suất cao hơn”.

Theo bà Nguyễn Thị Thảo, Trưởng Phòng Huấn luyện - Chuyển giao kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông – Giống nông lâm nghiệp Đắk Nông, trong quá trình thâm canh, việc sử dụng phân hữu cơ vi sinh từ phế phụ phẩm nông nghiệp đúng kỹ thuật đã hạn chế được lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong môi trường và nông sản. Từ đó, bảo vệ môi trường đất, môi trường nước, các vi sinh vật có lợi, cân bằng sinh thái.

Người dân thôn 9, xã Nam Bình, huyện Đắk Song sử dụng xác bã thực vật ủ hoai để bón cho cây trồng

Sản xuất nông nghiệp tuần hoàn là quá trình sản xuất khép kín, chất thải, phế phụ phẩm được tái tạo làm đầu vào của quá trình sản xuất khác. Hướng đầu tư này giúp tối ưu việc sử dụng tài nguyên, giảm lãng phí sản xuất, hạn chế những tác động tiêu cực cho môi trường, tăng hiệu quả canh tác…

Nông nghiệp giữ vai trò chủ đạo, chiếm 38,11% trong cơ cấu kinh tế của Đắk Nông. Hàng năm, trên địa bàn sản xuất ra lượng phế phụ phẩm nông nghiệp ước khoảng 950.000 tấn. Đây là nguồn tài nguyên tái tạo lớn để sản xuất phân bón hữu cơ có chất lượng, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế cho người dân.

Theo ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông, hiện nay, tính bền vững của nông nghiệp và phương thức phát triển sản xuất của nông dân còn nhiều hạn chế. Đáng nói là BĐKH diễn biến ngày càng phức tạp, hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra ngày càng thường xuyên, kèm với dịch bệnh diễn biến khó lường đã tác động tiêu cực đến hoạt động trồng trọt, chăn nuôi của người dân.

Chính vì vậy, xu hướng chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn ngày càng diễn ra mạnh mẽ và là xu hướng tất yếu của ngành Nông nghiệp hiện nay. Từ đó, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, thích ứng, giảm thiểu những rủi ro của BĐKH và những rủi ro khác về thị trường.

Ông Hồ Gấm cho rằng: “Nông nghiệp tuần hoàn còn khá mới mẻ với nhiều nông dân. Nhưng thực tế rất đơn giản và ai cũng có thể áp dụng để tiết kiệm chi phí, gia tăng lợi nhuận. Đó là tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp trở thành phân bón, thức ăn cho lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt khác”.
Mô hình ủ vỏ cà phê làm phân vi sinh được nông dân xã Trường Xuân huyện Đắk Song ứng dụng rộng rãi

Từ đó, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, giảm thiểu sự lãng phí và lượng chất thải đưa ra môi trường. Đây chính là điểm khác biệt lớn giữa nông nghiệp tuần hoàn so với cách làm nông nghiệp truyền thống.

“Nông nghiệp tuần hoàn vừa là yêu cầu bắt buộc, vừa là động lực tiến tới nền nông nghiệp xanh, chi phí thấp, gia tăng chuỗi giá trị, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen canh tác lạc hậu, hạn chế sử dụng tài nguyên, giảm phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường... Đây là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp bền vững”, ông Hồ Gấm cho biết thêm.

Văn Tâm

 

Nguồn "Báo Đắk Nông điện tử"

Liên kết website

Mở liên kết
Bottom