Đắk Song phát triển hồ tiêu hữu cơ bền vững

01/04/2021 15:22:46 GMT+7

.... từng bước xây dựng vùng nguyên liệu cây hồ tiêu hữu cơ bền vững.

Đồng hành với người trồng tiêu

Giai đoạn 2016-2020, thực hiện Nghị quyết 03 về phát triển hồ tiêu bền vững, huyện Đắk Song đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ để đạt được mục tiêu đề ra. Cụ thể, ngoài việc hỗ trợ thành lập 11 hợp tác xã (HTX) sản xuất hồ tiêu, huyện cung ứng vật tư theo hướng bền vững tại các vùng sản xuất hồ tiêu trên địa bàn; bố trí gần 1 tỷ đồng để xây dựng 18 mô hình sử dụng chế phẩm sinh học; hỗ trợ thực hiện 8 mô hình tưới nhỏ giọt bảo đảm phát triển theo hướng hữu cơ, bền vững.

Bên cạnh đó, huyện đã hỗ trợ HTX hồ tiêu Thành Tâm và HTX hồ tiêu Thuận Phát xây dựng hồ sơ chứng nhận VietGAP cho 138 ha hồ tiêu. Các ngành chức năng phối hợp với Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp, Công ty Thủy Kim Sinh tổ chức 108 lớp tập huấn về kinh nghiệm sản xuất hồ tiêu sạch, hữu cơ cho 4.320 nông dân.

Từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, huyện Đắk Song đã trang bị cho người dân nhiều máy móc, thiết bị trong sản xuất tinh dầu hồ tiêu, với tổng kinh phí 577 triệu đồng.

Vườn tiêu hơn 15 ha của gia đình ông Đào Văn Nga, ở thôn Thuận Bình, xã Thuận Hạnh (Đắk Song) đạt chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ

Theo ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đắk Song, thông qua các hoạt động tuyên truyền, vận động, tập huấn, người dân trên địa bàn đã thay đổi dần tập quán canh tác và ngày càng phát triển kinh tế theo hướng gắn với bảo vệ môi trường.

Người dân đã biết canh tác, sử dụng vật tư nông nghiệp một cách hiệu quả, đồng thời, đẩy mạnh sử dụng các chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ, giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình chăm sóc cây hồ tiêu.

Ổn định đầu ra

Nông sản chỉ thực sự phát triển ổn định khi bảo đảm được đầu ra cho sản phẩm. Trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 03, huyện Đắk Song luôn hỗ trợ, tạo điều kiện để các HTX, hộ nông dân tiếp cận các doanh nghiệp để liên kết sản xuất.

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 1.256 ha hồ tiêu với sản lượng 4.156 tấn/năm đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu và được huyện kết nối, liên kết với các doanh nghiệp để bảo đảm đầu ra ổn định.

Đơn cử, Công ty Trân Châu đã liên kết sản xuất 604 ha hồ tiêu với 245 hộ nông dân, sản lượng 1.974 tấn/năm. Hồ tiêu được các hộ liên kết sản xuất theo quy trình hữu cơ và đạt chứng nhận Rainforest. Các sản lượng được chứng nhận Rainforest đều có mức giá bán cao hơn giá thị trường 2.000 đồng/kg.

Công ty Sam Agritech đã liên kết với 200 hộ nông dân để sản xuất 300 ha hồ tiêu, với sản lượng đạt 1.000 tấn/năm. Công ty đã bao tiêu sản phẩm cho bà con và thu mua với giá cao hơn giá thị trường 2.000 đồng/kg.

 

Huyện Ðắk Song có hơn 15.181 ha hồ tiêu. Trong đó, có 9.608 ha hồ tiêu kinh doanh với sản lượng đạt 26.320 tấn/năm và 5.573 ha đang trong giai đoạn kiến thiết.

Toàn huyện có khoảng 3.800 ha hồ tiêu được áp dụng các biện pháp sinh học trong sản xuất; 1.513 ha hồ tiêu có chứng nhận hữu cơ, VietGAP, Rainforest alliance...

 

Tương tự trong niên vụ 2019-2020, Công ty gia vị Hương Sơn Hà ký hợp đồng với HTX Thuận Phát, xã Thuận Hà (Đắk Song), thu mua 182 tấn hồ tiêu hữu cơ với giá 50.000 đồng/kg. Trong khi giá hồ tiêu trên thị trường chỉ ở mức 36.000 đồng/kg...

Theo đánh giá của huyện Đắk Song, Nghị quyết 03 đã góp phần định hướng kịp thời, giúp người dân phát triển hồ tiêu một cách bền vững, an toàn, bảo đảm chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Bài, ảnh: Đức Hùng

 

Nguồn "Báo Đắk Nông điện tử"

Liên kết website

Mở liên kết
Bottom