Những kinh nghiệm chăm sóc cà phê sau thu hoạch

12/04/2024 08:19:55 GMT+7

Tuy nhiên, tùy thuộc vào khu vực canh tác và giống cà phê mà có nơi chậm hơn, bắt đầu từ tháng 11 năm nay kéo dài đến hết tháng 2 năm sau. Kết thúc vụ thu hoạch, cây thường mất sức do sinh trưởng khá nhiều và cũng là thời kỳ cây phân hóa mầm hoa nên cần tăng cường dinh dưỡng. Chính vì thế, thời gian này, nông dân trồng cà phê huyện M'Drắk tập trung chăm sóc để phục hồi lại vườn cây.

Nông dân xã Ea H'mlay cắt tỉa cành cà phê sau thu hoạch.

Là hộ có nhiều năm canh tác cà phê, anh Trần Trọng Lê (ở thôn 2, xã Ea H’mlay) cho biết, vườn cây sau khi thu hoạch xong thì thân cành xơ xác bởi sau một năm mang quả đã làm cây bị suy kiệt. Để thuận lợi cho chăm sóc, trong giai đoạn cuối vụ, gia đình anh vừa hái, vừa cắt cành để đẩy nhanh thời vụ. Anh Lê nhấn mạnh, việc thực hiện các phương pháp cắt tỉa cây cà phê sau thu hoạch là không thể bỏ qua. Cắt tỉa cành sẽ giúp cây được phục hồi nhanh chóng. Bên cạnh đó, những cành thứ cấp sẽ có cơ hội được phát triển và phân hóa ra các mầm hoa. Khi cắt tỉa cành cà phê, nên chọn cắt những cành cây bị chết, già, bị khô hay bị sâu bệnh; cành mọc bị ngược, các cành chồi vượt, những chồi nằm sâu trong tán lá…

Gia đình chị Ngô Thị Thảo (ở thôn 3, xã Ea H'mlay) có hơn 3 ha cà phê ở giai đoạn kinh doanh. Những năm qua, nhờ áp dụng các kỹ thuật chăm sóc tốt cà phê, đặc biệt giai đoạn sau thu hoạch nên vườn cà phê của gia đình chị Thảo luôn cho năng suất cao (14 - 15 tạ/ha). Theo chị Thảo, một trong những cách chăm sóc cà phê sau thời kỳ thu hoạch là cần chú ý rửa vườn cây. Việc này nhằm mục đích để vườn cà phê được thông thoáng hơn. Để rửa vườn, nông dân thường sử dụng các dung dịch đồng đỏ, giúp phòng ngừa được rong rêu, tảo đỏ và nấm hồng…

Bên cạnh đó, cần tuân thủ thời gian tưới nước cho cà phê thời kỳ ra hoa. Phải để cây cà phê có khoảng thời gian héo lá vừa đủ, nhằm khi tưới nước thì sẽ đồng loạt phân hóa mầm hoa, đậu quả. Tưới lần đầu tiên, sau thu hoạch và sau khi cắt tỉa cành xong. Lần tưới thứ hai sau lần thứ nhất khoảng từ 25 - 30 ngày và cần tưới đẫm để đảm bảo được độ ẩm trong đất cao, giúp cây dưỡng được trái non. Cùng với đó, tập trung bón các loại phân lân bảo đảm cho việc phân hóa mầm hoa, tăng số hoa và số quả; bón kali giúp tăng tỷ lệ hoa đậu quả cao trong điều kiện thời tiết nhiều thay đổi.

Chị Thảo cũng chia sẻ, thông thường, nông dân sẽ bón trực tiếp phân vào gốc cây. Tuy nhiên, với đặc điểm cà phê thường có khả năng hấp thụ dinh dưỡng qua lá nhanh hơn qua đường rễ. Do đó, những năm gần đây, một số hộ dân trên địa bàn huyện đã áp dụng phương pháp phun qua lá những sản phẩm phân bón hữu cơ cao cấp như HLC 16 để giúp cây cà phê hồi phục được dinh dưỡng đa trung vi lượng nhanh chóng nhất, giúp khỏe cành, dày lá, xanh lá và mỡ lá…

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp huyện M’Drắk, niên vụ cà phê 2024 - 2025, huyện M’Drắk có trên 1.900 ha cà phê, trong đó có 1.744 ha cà phê đang kinh doanh; năng suất phấn đấu đạt 14 tạ/ha. Hiện tại, thời tiết đang bước vào mùa khô năm 2024, ngoài việc tập trung trăm sóc cây cà phê sau thu hoạch thì ngành nông nghiệp huyện cũng khuyến cáo nông dân chủ động thực hiện các biện pháp chống hạn cho cây cà phê để bảo đảm năng suất, chất lượng.

Mỹ Sự

Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

Liên kết website

Mở liên kết
Bottom