Đắk Nông thúc đẩy liên kết ngành hàng trái cây

31/01/2024 10:23:04 GMT+7

Với nhiều lợi thế cả về sản lượng và chất lượng, nhưng các sản phẩm trái cây của Đắk Nông vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Sản xuất và tiêu thụ trái cây của tỉnh vẫn chưa bền vững, dễ chịu tổn thương trên thị trường.

Gia đình anh Nguyễn Anh Vũ, thôn 7, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) có gần 2ha đất trồng các loại cây như bơ, vải, với sản lượng hàng năm gần 100 tấn. Anh Vũ cho biết, các sản phẩm trái cây của gia đình có mẫu mã khá đẹp, chất lượng cao.

Thế nhưng, các cây ăn trái này vẫn chưa mang lại sự yên tâm cho gia đình anh. Thu nhập của gia đình anh từ vườn cây ăn trái vẫn còn bấp bênh vì sản phẩm phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương.

Vụ thu hoạch năm 2023, toàn bộ sản lượng trái cây đều được anh bán cho tư thương tỉnh Lâm Đồng, với mức giá thấp hơn mọi năm. Theo anh Vũ, không chỉ giá thấp hơn, bên thu mua còn đặt ra nhiều yêu cầu về thu hái như chọn kỹ càng hơn, ngắt cành ngắn hơn để giảm trọng lượng. Thu nhập của gia đình từ cây ăn trái năm 2023 chỉ khoảng 200 triệu đồng.

Đắk Nông có nhiều tiềm năng về phát triển cây ăn trái, nhất là các lợi thế về đất đai, khí hậu. Tỉnh hiện có trên 18.000ha cây ăn trái, sản lượng đạt khoảng 78.000 tấn/năm.

Cây ăn trái tập trung chủ yếu tại các huyện Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong, Tuy Đức. Một số cây có diện tích lớn như sầu riêng 6.100ha; bơ 3.100ha; chanh dây 714ha...

Đắk Nông hiện có trên 3.100ha bơ

Đến nay, ngành hàng trái cây Đắk Nông đã có một số bước tiến, nhất là hình thành được 14 chuỗi liên kết giá trị, với 608ha, 185 hộ tham gia canh tác. Đắk Nông có trên 20 doanh nghiệp sơ chế, chế biến trái cây. Sản phẩm trái cây chủ yếu sơ chế, chế biến nguyên liệu, cấp đông.

Nhiều doanh nghiệp lớn đã liên kết sản xuất trái cây tại Đắk Nông theo các tiêu chuẩn để xuất khẩu như: Tập đoàn Vạn Hòa, Công ty TNHH CHH Việt Nam, Công ty TNHH Minh Phòng, Công ty TNHH Nam Đô, Công ty Sen Việt, Doanh nghiệp tư nhân Toàn Hằng, Doanh nghiệp tư nhân Hồng Phúc...

30% sản lượng trái cây của tỉnh được sơ chế, chế biến

Tuy nhiên, sản lượng sơ chế, chế biến trái ở Đắk Nông vẫn còn khiêm tốn, với khoảng 23.000 tấn/năm, chiếm tỷ lệ khoảng 30% sản lượng trái cây của tỉnh. 70% sản lượng còn lại của Đắk Nông tiêu thụ thông qua đầu mối thương lái.

Những năm gần đây, ngành chức năng, các doanh nghiệp đã nỗ lực xây dựng các mã vùng trồng cây ăn trái gắn với xuất khẩu. Đắk Nông đã có 36 mã vùng trồng cho cây ăn trái, với diện tích 946,27ha; sản lượng khoảng 16.500 tấn/năm.

Trong đó, tỉnh có 25 mã vùng trồng sầu riêng; 7 mã chanh dây; 1 mã bơ; 2 mã vùng trồng xoài và 1 mã vùng trồng bưởi. Đây là những cơ sở để tỉnh nhân rộng các vùng trồng trái cây chất lượng cao trong những năm tiếp theo.

Theo ông Ngô Xuân Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Nông, ngành tập trung thúc đẩy các giải pháp nhằm xây dựng các liên kết ngành hàng về trái cây. Trong đó, tỉnh tập trung tháo gỡ “nút thắt” từ khâu tổ chức sản xuất.

Cụ thể, việc sản xuất cây ăn trái của tỉnh còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết. Do đó, ngành hàng này chưa đáp ứng yêu cầu về sản xuất hàng hóa tập trung, chưa hình thành vùng nguyên liệu lớn trong chuỗi giá trị.

Do đó, ngành chức năng, các địa phương, người sản xuất cần đẩy mạnh áp dụng đồng bộ các giải pháp về giống, kỹ thuật nhằm giảm chi phí sản xuất, ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm. Sản xuất cây ăn trái cần chú trọng đạt tiêu chuẩn chứng nhận như hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP, OCOP...

Đắk Nông thúc đẩy liên kết ngành hàng trái cây qui mô lớn

Cũng theo ông Đông, Đắk Nông coi hợp tác xã là cầu nối quan trọng để hình thành và phát triển liên kết giữa sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trái cây giữa người dân với các doanh nghiệp. Đắk Nông tăng cường tổ chức các hoạt động nhằm giới thiệu, quảng bá, kích cầu tiêu thụ trái cây. Tỉnh xây dựng liên kết ngành hàng trái cây bền vững.

Trần Thị Thoan
Nguồn "Báo Đắk Nông điện tử"

Liên kết website

Mở liên kết
Bottom