Cấp “chứng thư” xuất khẩu tại vùng nguyên liệu: Tại sao không?

28/06/2023 08:34:03 GMT+7

Điều đáng ngại là có những lô hàng nằm chờ nhưng không xuất khẩu được sẽ có nguy cơ bị hư hỏng, phải quay trở lại tiêu thụ ở thị trường nội địa, gây thiệt hại kinh tế không nhỏ. Vấn đề đặt ra là tại sao cứ phải vận chuyển đến cửa khẩu rồi mới biết hàng hóa có bảo đảm điều kiện xuất khẩu không?

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), diện tích cây ăn quả của cả nước khoảng trên 1 triệu héc-ta, mỗi năm trung bình có khoảng 12 triệu tấn sản phẩm. Riêng trong quý 3 và quý 4 năm nay, dự kiến có gần 7,6 triệu tấn các loại trái cây chính cần tiêu thụ như: xoài, chuối, thanh long, dứa, cam, vải, nhãn, sầu riêng, mít, bơ… Thời điểm này, tất cả các loại hoa quả của Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc (vải thiều, nhãn, dưa hấu, thanh long, chôm chôm, chuối, mít, xoài, măng cụt, sầu riêng, chanh dây) được chi cục hải quan tại các cửa khẩu trên địa bàn Lạng Sơn tổ chức đưa vào diện hàng hóa “luồng xanh”, qua đó giúp rút ngắn thời gian làm thủ tục hải quan và thông quan hàng. Tuy nhiên, việc tiếp nhận và làm thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) - một trong những yếu tố cần thiết để được thông quan - vẫn phải thực hiện tại địa phương có cửa khẩu. Như vậy, trái cây vận chuyển từ những vùng nguyên liệu xa các cửa khẩu xuất khẩu vào thị trường trọng điểm Trung Quốc như khu vực Tây Nguyên, nhưng nếu lô hàng nào không được cấp C/O cũng sẽ phải "quay đầu".

Và thực tế là cuối tháng 5 vừa qua, Sở Công Thương Lạng Sơn đã có văn bản gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp để thông tin về tình hình ùn tắc hàng hóa chờ xuất khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. Theo đó, lượng xe chở sầu riêng lên khu vực Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đang tăng đột biến. Lý do là mặt hàng này đang vào mùa vụ thu hoạch và chỉ được xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế. Có thời điểm có đến 430 xe dừng đỗ trên tuyến Quốc lộ 1A, lượng phương tiện dừng đỗ ngoài khu vực cửa khẩu đã kéo dài qua địa bàn TP. Lạng Sơn và chưa có dấu hiệu dừng lại. Điều này tiềm ẩn nguy cơ rất lớn gây thiệt hại cho doanh nghiệp khi trong điều kiện thời tiết nắng nóng, trái cây nhanh chín và dễ suy giảm chất lượng. Đặc biệt, nhiều xe hàng không đảm bảo chất lượng nên không thể xuất khẩu và phải “quay đầu”.

Xử lý vi sinh vật trên vỏ sầu riêng trước khi đóng gói xuất khẩu ở cơ sở đóng gói trên địa bàn huyện Krông Pắc. Ảnh: Thuận Nguyễn

Đây không phải là lần đầu tiên diễn ra tình trạng này mà gần như thành câu chuyện “đến hẹn lại lên” đối với xuất khẩu trái cây của Việt Nam. Thực tế trên đòi hỏi cần có phương án hỗ trợ làm thủ tục xuất khẩu tại địa phương nhằm giảm bớt rủi ro cũng như chi phí phát sinh khi làm thủ tục xuất khẩu tại cửa khẩu mà lô hàng không đạt, phải trả về.

Hiện nay, để giám sát chất lượng sản phẩm trái cây xuất khẩu cũng đã có phương án là cấp mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói. Tuy nhiên việc quản lý, giám sát hoạt động thu mua, tiêu thụ sản phẩm tại vùng trồng, việc sử dụng mã số vùng trồng mới chỉ là một trong những khâu đáp ứng yêu cầu của phía nhập khẩu.

Chưa kể là để quản lý được việc cấp, sử dụng mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói vẫn còn nhiều khó khăn; vẫn còn tồn tại những hành vi vi phạm liên quan đến gian lận thương mại về mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói, dẫn đến “niềm tin” từ các nhà nhập khẩu đối với sản phẩm trái cây bị giảm sút.

Thế nên, bên cạnh việc làm tốt công tác quản lý, giám sát hoạt động thu mua, tiêu thụ sản phẩm tại vùng trồng, việc sử dụng mã số vùng trồng, cũng như hạn chế tình trạng giả mạo, lấy cắp mã số vùng trồng thì phương án khả dĩ có thể tạo lập “lòng tin” đối với nhà nhập khẩu và quan trọng hơn là đưa hoạt động sản xuất nông nghiệp vào quy củ là có một đơn vị độc lập đủ năng lực cấp “chứng thư” cho trái cây xuất khẩu ngay tại các vùng nguyên liệu lớn.

Đây không phải là ý tưởng hay đề xuất gì mới. Đối với những mặt hàng chủ lực ở khu vực Tây Nguyên như: cà phê, hồ tiêu, điều… và gần đây là gạo, dược liệu, thì Công ty Cổ phần Giám định cà phê và hàng hóa xuất nhập khẩu (CAFECONTROL) đã có thể cấp “chứng thư” bảo đảm cho hoạt động xuất khẩu ngay tại kho hàng. Với những sản phẩm này, quy trình giám định được thực hiện tuần tự: Tiếp nhận yêu cầu giám định – Xem xét các yêu cầu – Lấy mẫu giám định – Phân tích, thử nghiệm – Báo cáo kết quả phân tích, thử nghiệm – Giám sát xuất hàng – Báo cáo số lượng, khối lượng, chất lượng – Cấp Chứng thư. Đối với mặt hàng trái cây, quy trình kiểm định như trên cũng có thể được xem là phù hợp và đáng để tham khảo. Quan trọng nhất hiện nay là phải có đơn vị đứng ra thực hiện quy trình đó, độc lập chịu trách nhiệm với “chứng thư” của mình đối với cả phía sản xuất lẫn phía nhập khẩu.

Tại khu vực Tây Nguyên thời gian gần đây, một số loại cây ăn quả tăng nhanh, sầu riêng chiếm tới 43,1% diện tích và 36,3% sản lượng; bơ chiếm tới 78,1% diện tích và 81,9% sản lượng. Cùng với đó, Tây Nguyên là vùng sản xuất chanh dây lớn nhất nước, chiếm trên 70% diện tích chanh dây cả nước. Với một vùng nguyên liệu lớn như vậy, nên chăng Tây Nguyên cần có một trung tâm kiểm định chất lượng trái cây xuất khẩu. Cùng với đó là sự liên thông giữa cơ quan chức năng các địa phương, nhất là trong lĩnh vực Hải quan. Có như vậy mới có thể hạn chế thấp nhất những rủi ro trong xuất khẩu trái cây tươi.

Giang Nam

Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

Liên kết website

Mở liên kết
Bottom