Đừng để cấp mã vùng trồng sầu riêng theo phong trào, cấp xong rồi để đó...

10/04/2023 08:35:33 GMT+7

Mã vùng trồng phải đi vào thực chất...

Mới đây, việc UBND tỉnh Đắk Lắk có quyết định thành lập Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk đã khiến nhiều HTX, doanh nghiệp kỳ vọng tổ chức này sẽ gắn kết, giúp ngành hàng này phát triển, đặc biệt trước mắt là thúc đẩy việc xây dựng, quản lý và duy trì mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói sầu riêng nhằm đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của thị trường xuất khẩu, nhất là thị trường Trung Quốc.

HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tân Lập Đông (huyện Krông Búk) được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp 4 mã vùng trồng với diện tích 49,5ha sầu riêng xuất khẩu. Đây là một trong những HTX được cấp mã vùng trồng đầu tiên của cả nước nhưng một số thời điểm còn gặp nhiều khó khăn.

Người dân mong muốn Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk sẽ phát huy vai trò "chỉ huy", đưa vào cấp, quản lý, duy trì mã số vùng trồng một cách đúng nghĩa, hiệu quả thực sự. Ảnh: Quang Yên

Ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tân Lập Đông cho biết, khi cấp mã vùng trồng, đơn vị đã liên kết với một doanh nghiệp để thu mua sầu riêng cho các thành viên. Tuy nhiên, đến gần thời điểm thu hoạch, một số công ty đã liên hệ trực tiếp với thành viên HTX đưa ra giá cao hơn khiến người dân muốn... "đòi lại" mã vùng trồng để tự mua bán!

Theo ông Chiến, việc này khiến cho mối liên kết giữa HTX và doanh nghiệp bị đứt. “Hiệp hội sầu riêng ra đời cần có giải pháp điều tiết làm sao để giá sầu riêng ổn định. Tránh trường hợp nhiều doanh nghiệp chịu lỗ 1 - 2 tỷ đồng để mua sản phẩm với giá cao nhằm khẳng định uy tín cũng như lôi kéo nông dân.

Ngoài ra, cần có phương án quản lý, xây dựng mã vùng trồng như thế nào để sản phẩm đưa ra thị trường chất lượng đồng nhất. Hiện nay, việc xây dựng mã vùng trồng diễn ra ồ ạt, tập trung đăng ký nhưng không quản lý được, thậm chí có nơi đăng ký mang tính phong trào, không có nhu cầu hoặc không có định hướng xuất khẩu cũng đăng ký mã số vùng trồng rồi để đó chứ không thực chất hướng tới xuất khẩu. Người dân, doanh nghiệp chỉ mới tập trung đăng ký mã vùng trồng, còn việc duy trì các quy định kỹ thuật về vùng trồng, về chất lượng sản phẩm ra sao sau khi được cấp mã vẫn còn bỏ ngõ.

"Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk ra đời nếu giải quyết được các vấn đề này thì tôi nghĩ ngành sầu riêng Đắk Lắk sẽ phát triển”, ông Chiến nói.

Tương tự, bà Hạ Thị Hà Huyền, Chủ tịch HĐQT HTX Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Nông nghiệp Vạn Xuân (huyện Cư Kuin) cho rằng, thị trường Trung Quốc mở cửa cho phép xuất khẩu chính ngạch nhiều mặt hàng nông sản, đặc biệt trong đó có ngành hàng sầu riêng là một bước chuyển mình lớn

Hiện diện tích trồng sầu riêng của Đắk Lắk chủ yếu xen canh, nhỏ lẻ, gây khó khăn cho việc xây dựng mã vùng trồng xuất khẩu. Ảnh: Quang Yên

Theo bà Huyền, HTX đồng hành, hướng dẫn cùng người sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu, trong đó có việc thiết lập mã vùng trồng, quy trình canh tác theo quy định của nước nhập khẩu. Tuy nhiên trong quá trình triển khai, HTX cũng gặp một số khó khăn như việc trồng xen canh, diện tích nhỏ lẻ cho nên việc lập, xét duyệt hồ sơ mã vùng trồng còn chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn.

Việc HTX liên kết với các tập đoàn, doanh nghiệp diễn ra cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân như hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc để đạt chất lượng sản phẩm. Việc sử dụng mã vùng trồng cần có những thoả thuận hợp lý, phù hợp, tránh các trường hợp tranh chấp. Đặc biệt hiện thị trường đang bị bỏ ngõ, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh.

“Chúng tôi kỳ vọng sự ra đời của Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk có thể giải quyết được các vấn đề nổi cộm trên để người dân và HTX yên tâm sản xuất, cùng nhau tạo nên một thương hiệu nông sản Việt vươn tầm quốc tế”, bà Huyền đặt niềm tin

Còn vướng nhiều tiêu chuẩn để cấp mã vùng trồng

Ông Lê Anh Trung, Giám đốc Công ty Cổ phần BVI chuyên về tư vấn kỹ thuật nông nghiệp cho biết, ngành sầu riêng của Việt Nam hiện nay còn nhiều vấn đề lớn cần giải quyết.

Cụ thể, hiện trạng sản xuất sầu riêng của Việt Nam còn manh mún nhỏ lẻ, chưa có các vùng nguyên liệu rộng lớn. Trình độ kỹ thuật canh tác của nông dân còn thiếu và yếu cả về tư duy sản xuất hàng hóa chuyên nghiệp theo quy định của nước nhập khẩu cũng như kỹ thuật canh tác.

Nông dân cũng đang thiếu thông tin của thị trường về yêu cầu của sản phẩm, thông tin của thị trường về yêu cầu kỹ thuật theo quy định nhập khẩu. HTX, người dân trồng sầu riêng đa phần nhỏ lẻ, khả năng định hướng sản xuất, mở rộng diện tích, tiếp cận thị trường và phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ, xây dựng thương hiệu còn hạn chế

Bên cạnh việc quản lý mã vùng trồng còn bất cập, doanh nghiệp, nông dân, HTX của nước ta vẫn còn lúng túng, mù mờ về thông tin thị trường xuất khẩu. Ảnh: Tùng Đinh

Bên cạnh đó, hiện nay chưa có cơ sở dữ liệu chung giữa các tỉnh trong vùng chuyên canh cây sầu riêng nói chung về thông tin sản phẩm như: Giống sầu riêng, loại sản phẩm cung cấp ra thị trường, sản lượng bao nhiêu, thời gian thụ hoạch cụ thể... Ngoài ra cũng chưa có cơ sở dữ liệu cụ thể về nhu cầu tiêu dùng trong nước, ngoài nước, các kênh phân phối chính… để thuận lợi trong việc tổ chức tiêu thụ.

Chính vì vậy, các nhà sản xuất là người dân, HTX ở các địa phương không thể biết để sản xuất hay mở rộng diện tích nhằm cung ứng phù hợp với nhu cầu thị trường. Đặc biệt, người dân, HTX thiếu tư duy chịu trách nhiệm, thiếu tính cam kết trong liên kết sản xuất với doanh nghiệp.

“Những vấn đề trên đang cản trở ngành sầu riêng của Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung phát triển. Hiệp hội sầu riêng ra đời nếu giải quyết được những nội dung trên thì sẽ giúp ngành hàng này sánh ngang với các quốc gia như Thái Lan, Malaysia”, ông Trung chia sẻ.

Ông Vũ Ngọc Huy, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn cho rằng, ngành sầu riêng của chúng ta tương đối thuận lợi bởi phía Trung Quốc đã mở cửa chính ngạch. Tuy nhiên sau một thời gian còn có những bất cập trong khâu thu mua nên giá cả của quả sầu riêng lên xuống bấp bênh, gây ra không ít khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Cũng theo ông Huy, công tác thiết lập mã số vùng trồng còn thiếu tính chuyên nghiệp. Như ở một số nơi diện tích trồng xen canh rất phổ biến, hay quy trình sản xuất chưa được bài bản và tập chung. “Trước những tình hình còn bất cập hiện nay, chúng tôi rất mong muốn có Hiệp hội sầu riêng phát huy vai trò trong việc xây dựng một bộ quy tắc trong hoạt động chế biến, thu mua, xuất khẩu. Hiệp hội cũng là nơi để kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp để có điều kiện chia sẻ các thông tin như chất lượng hàng hóa, và tổ chức thu mua, tổ chức đóng gói và dự báo tình hình sản lượng của nước nhập khẩu”, ông Huy kiến nghị

Tiềm năng, triển vọng của mặt hàng sầu riêng xuất khẩu, nhất là thị trường Trung Quốc rất mênh mông, nhưng Việt Nam có tranh thủ được cơ hội hay không lại đang là vấn đề. Ảnh: Quang Yên

Còn theo bà Ngô Thị Tường Vy, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chánh Thu, sầu riêng Việt Nam có những lợi thế nhất định về vị trí địa lý cũng như một số thương hiệu đã được người tiêu dùng biết đến.

Tuy nhiên bà Vy cho biết, thực tế còn quá nhiều nỗi lo khi chúng ta chưa đồng bộ về chất lượng mà chỉ đang chạy theo lợi nhuận quá nhiều. Hiện nay, chúng ta cũng chưa có tiêu chuẩn quốc gia đối với quả sầu riêng xuất khẩu. Chính vì điều này nên đã xảy ra một số tiêu cực trong việc tiêu thụ

“Hiệp hội sầu riêng được thành lập sẽ là điều kiện để có thể đưa ra được những tiêu chí bắt buộc về tiêu chuẩn sản phẩm để ngành sầu riêng phát triển. Tổ chức này cũng sẽ thay mặt doanh nghiệp, người dân đồng hành cùng nhà quản lý để kiểm soát về chất lượng cũng như xây dựng thương hiệu quốc gia cho quả sầu riêng. Việc này cực kỳ quan trọng, vì bất kỳ người nào khi tham gia vào chuỗi liên kết dù là nông dân, HTX cũng đều hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của các hình thức chế tài trong mỗi phân khúc. Việc này sẽ giúp đồng bộ về chất lượng. Khi có được điều này, chúng ta mới phát huy hết được lợi thế mà ngành sầu riêng đang có”, bà Vy nói

Minh Quý

 

Nguồn: nongnghiep.vn

Liên kết website

Mở liên kết
Bottom