Hồ tiêu rớt giá: Có nên giảm diện tích?

26/03/2018 14:27:38 GMT+7

Từ giữa năm 2016 và cả năm 2017, giá hồ tiêu được coi là “tụt dốc không phanh”. Cho tới 3 tháng đầu năm 2018, giá vẫn không lên khiến người trồng hồ tiêu gặp khó khăn. Từ đó, nhiều ý kiến cho rằng cần giảm diện tích trồng hồ tiêu. Điều đó có nên?

Hồ tiêu vẫn mang lại lợi nhuận cho người nông dân.

Ý kiến trái chiều

Tây Nguyên là thủ phủ hồ tiêu cũng là nơi có diện tích nhiều loại cây công nghiệp lớn nhất cả nước. Những năm qua, diện tích trồng hồ tiêu tại Tây Nguyên liên tục được mở rộng, do “ăn nên làm ra”.

Thế nhưng, tới nay, người trồng hồ tiêu gặp khó do giá thị trường thế giới giảm sâu. Tại một hội nghị toàn quốc mới đây bàn giải pháp phát triển bền vững cây trồng này, nhiều giải pháp được đưa ra, tuy rằng chưa nhận được sự đồng thuận ở mức cao.

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu trong nửa đầu tháng 3/2018 đạt 11.892 tấn hạt tiêu các loại, với giá trị kim ngạch 43,75 triệu USD, giảm 12,82 % về lượng và giảm 46,78 % về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá tiêu xuất khẩu bình quân trong kỳ đạt 3.679 USD/tấn, giảm 1,34 % so với giá xuất khẩu bình quân tháng 2-2018.

Từ thực tế đó, ý kiến của nhà quản lý tại hội nghị hồ tiêu toàn quốc cho rằng cần giảm mạnh diện tích hồ tiêu. Được biết, sản lượng hồ tiêu Việt Nam vào thời điểm này là 243.600 tấn, chiếm tới 47,8% tổng sản lượng 510.000 tấn của thế giới, trong khi nhu cầu tiêu dùng của thế giới, theo giới chuyên môn chỉ khoảng 446.000 tấn.

Cả nước hiện có gần 153.000 ha hồ tiêu. Một khuyến nghị được nhà quản lý đưa ra là cần giảm diện tích hiện nay xuống còn 120.000 ha (tới năm 2020) và 100.000 ha (tới năm 2030) là “thuận theo lẽ tự nhiên”.

Tuy nhiên, ở một tính toán khác, giới chuyên gia đưa ra con số: Các kết quả tính toán từ cơ sở dữ liệu của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực thế giới (FAO) cho thấy, nếu Việt Nam khống chế được sản lượng như hiện tại, và phần còn lại của thế giới vẫn đạt nhịp độ tăng bình quân 2,91%/năm như trong 4 năm gần đây, tổng sản lượng hồ tiêu thế giới sẽ lần lượt là 626.000, rồi 671.000 và rồi 736.000 tấn vào các thời điểm 2020, 2025 và 2030. Từ đó, có thể thấy không có lý do gì để giá hồ tiêu thế giới tiếp tục tụt dốc trong trung hạn. Ngược lại, rất có thể sẽ tăng trở lại trong dài hạn.

Trong nhóm 7 quốc gia sản xuất hồ tiêu lớn hiện vẫn chiếm hơn 90% sản lượng của thế giới, Việt Nam và Malaysia có năng suất cao gấp 2,6-2,7 lần năng suất bình quân của thế giới. Đó chính là thế mạnh cạnh tranh mặt hàng này của Việt Nam. Vì vậy, theo giới chuyên gia: có nhất thiết phải “hy sinh” 50.000 ha hồ tiêu của Việt Nam hay không?

Tại thời điểm cuối tháng 2, giá hồ tiêu xuất khẩu chỉ còn 3.661 USD/tấn, nhưng nếu dự báo giá xuất khẩu 4.370 USD/tấn trong trung và dài hạn của các nhà quản lý là đúng, tỷ suất lợi nhuận của hồ tiêu sẽ tăng lên 63,7%, tức là nông dân trồng hồ tiêu vẫn có thu nhập cao. Do đó, giới chuyên gia khuyến cáo chưa nên vội vã giảm mạnh diện tích trồng hồ tiêu. Thêm nữa, chính bản thân người trồng hồ tiêu vẫn không muốn giảm diện tích.

Lỗi thuộc về nông dân?

Những năm qua, cũng như cây cà phê, mắc-ca, điều, cao su... cây hồ tiêu cũng gặp khó khăn trong việc giảm hay tăng diện tích. Có thời điểm lợi nhuận từ trồng tiêu gấp 2-3 lần so với trồng cà phê, điều... nên đồng bào các tỉnh Tây Nguyên ồ ạt mở rộng diện tích. Cho tới trước năm 2016, giá hạt tiêu tăng cao, có lúc tăng lên trên 220.000 đồng/kg, bà con rất phấn khởi. Từ giữa năm 2016, giá hạt tiêu giảm xuống trong khoảng trên dưới 80.000 đồng/kg, nhưng bà con vẫn “sống khỏe”; nếu so với giá hiện nay (ngày 22-3-2018) là từ 52.000-55.000đồng/kg.

Được biết, vào thời điểm năm 1986, các tỉnh Tây Nguyên chỉ có vài ngàn ha hồ tiêu, thì đến năm 2014 tăng lên trên 50.000 ha và hiện nay là hơn 120.000 ha (trong tổng số 153.000 ha hồ tiêu của cả nước). Trong đó nhiều nhất là Đắk Lắk, kế đến là Đắk Nông, Gia Lai.

Một thực tế cho thấy, việc tự phát trồng cây tiêu ồ ạt, chạy theo phong trào, lợi nhuận đã phá vỡ quy hoạch cây trồng của từng địa phương vùng Tây Nguyên. Cùng đó việc cải tạo đất lại không được chú trọng, sử dụng các giống hồ tiêu không rõ nguồn gốc dẫn đến việc bùng phát dịch bệnh vàng lá chết nhanh, chết chậm, hậu quả người trồng phải hứng chịu.

Tại 3 tỉnh trọng điểm cây hồ tiêu của Tây Nguyên là Đắk Lắk, Gia Lai và Đắk Nông, hàng năm, mỗi tỉnh đều có vài ngàn ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm, tuyến trùng rễ, rệp sáp. Tỉnh Gia Lai năm 2016 đã có trên 6.155ha tiêu bị nhiễm bệnh...

Việc phát triển “nóng” cây hồ tiêu ở các tỉnh Tây Nguyên được coi là đã vượt tầm kiểm soát của chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn. Nhưng trong câu chuyện này vẫn phải trở lại vai trò của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng ngành nông nghiệp. Biện minh cho vấn đề, bao giờ người ta cũng cho rằng đã khuyến cáo, đã tuyên truyền vận động, đã hướng dẫn... nhưng không ngăn được “phong trào” của nông dân. Vậy thì, những động thái mang tính trách nhiệm và nghĩa vụ đó của chính quyền địa phương, của ngành chức năng có ý nghĩa gì? Tới nay, khi giá hồ tiêu sụt giảm, lại đề xuất giảm mạnh diện tích, liệu có thực hiện được?

Những năm qua, nhiều loại nông phẩm ế thừa do tình trạng cung vượt cầu thực sự là một vấn nạn. Trong đó phải kể đến trái thanh long, cà phê, dưa hấu, rồi cả củ cải cũng rớt giá thê thảm, phải nhờ cộng đồng “giải cứu”. Nay lại đến cây hồ tiêu, dù rằng chưa phải “giải cứu” thì cũng đã cho thấy bất cập.

Nhưng nếu cứ đổ lỗi cho người trồng mà không có được giải pháp đúng từ phía cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương thì vẫn không thể thấy “ánh sáng cuối đường hầm”.

Đức Quỳnh

 

 

Nguồn:daidoanket.vn

Liên kết website

Mở liên kết
Bottom