Làm giàu từ mô hình cây ăn trái

11/10/2019 16:22:23 GMT+7

Trước đây, 6 sào đất vườn của gia đình ông Thanh chủ yếu trồng hoa hồng và hoa cúc, nhưng mang lại hiệu quả không cao và phải thường xuyên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình chăm sóc hoa nên ông Thanh lo lắng về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người thân trong gia đình và những người xung quanh. Năm 2015, ông quyết định chuyển đổi diện tích trồng hoa sang trồng 300 cây bưởi da xanh xen 300 cây ổi Đài Loan.

Sau thời gian chăm sóc, nhận thấy đất đai, khí hậu ở địa phương rất phù hợp để phát triển cây ăn trái, năm 2016 gia đình ông tiếp tục trồng thêm 300 cây bưởi da xanh, 300 cây cam sành và 300 cây quýt đường trên diện tích 4,4 ha, các cây trồng đều được ông tự tay chăm sóc kỹ lưỡng nên phát triển xanh tốt. Đối với cây ổi, chỉ trồng 7 tháng đã cho thu hoạch và bán được giá. Tuy nhiên, do vườn ổi dẫn dụ nhiều ruồi vàng, làm hư hại quả và ảnh hưởng đến cây bưởi đang phát triển nên năm 2017, sau khi thu hồi được vốn, ông Thanh đã quyết định phá 300 cây ổi, tập trung phát triển các cây có múi.

Vườn cây bưởi da xanh của gia đình ông Nguyễn Quang Thanh.

Đến nay, gia đình ông Thanh đã có 600 cây bưởi, mỗi năm thu được 9-12 tấn quả, với giá bán 40.000 đồng/kg (dịp Tết lên đến 55.000 đồng/kg) và 300 cây cam, 300 cây quýt thu được hơn 30 tấn quả, với giá bán 16.000 -18.000 đồng/kg, ông thu lãi 800 triệu đồng. Bên cạnh đó, mỗi dịp Tết ông còn trồng và bán thêm 2.000 chậu hoa cúc và nuôi 500 con gà siêu trứng. Sau khi trừ hết chi phí, gia đình ông thu khoảng 1 tỷ đồng/năm.

Ông Thanh cho biết, nhờ có kinh nghiệm trồng hoa nhiều năm, ông nhận biết được các loại sâu bệnh cũng như cách xử lý chúng, từ đó áp dụng vào việc phòng trừ sâu bệnh trên cây ăn trái. Bên cạnh đó, để thu được sản phẩm sạch và chất lượng, gia đình ông chủ yếu dùng phân chuồng ủ hoai bón cho cây; sử dụng chai, lọ để bẫy ruồi vàng và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật... Đến nay, sản phẩm bưởi da xanh của gia đình ông đã đạt tiêu chuẩn VietGAP và dán tem truy xuất nguồn gốc, được các siêu thị tại Lâm Đồng và chợ đầu mối tại Buôn Ma Thuột thu mua.

Dù tuổi đã cao nhưng ông Thanh vẫn say mê làm giàu, luôn đổi mới và sáng tạo, phát triển mô hình kinh tế. Ông ấp ủ dự định trong thời gian tới sẽ phát triển thêm mô hình du lịch sinh thái trên diện tích cây ăn trái của gia đình, giúp du khách có thể tham quan, học hỏi kỹ thuật chăm sóc và thưởng thức trái cây sạch tại vườn.

Phương Thảo

Nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

TIN NỔI BẬT

Đua nhau xuống giống theo giá cà phê tăng vọt

Giá cà phê tăng cao thời gian qua khiến nhiều nông dân ở Tây Nguyên đưa nhau xuống giống, nhiều vườn chanh dây cũng bị phá bỏ để trồng cà phê

Liên kết website

Mở liên kết
Bottom