Đắk Nông thêm một mùa bơ buồn

15/05/2024 08:45:35 GMT+7

Chị Đỗ Thị Hạnh, thôn Châu Thành, xã Đắk Ru, huyện Đắk R’lấp cho biết, gia đình có 2ha bơ 034 và núi nưa. Năm nay, cả hai loại bơ đều có năng suất và chất lượng thấp hơn so với năm ngoái. Chị ước sản lượng 2ha chỉ đạt khoảng 3 tấn bơ loại 1.

Lý giải nguyên nhân, chị cho rằng cây bơ ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu nên đậu quả thấp. Cùng với đó, nắng hạn cũng làm cho quả bơ chậm lớn, hình thức, mẫu mã không đẹp như mọi năm nên ảnh hưởng đến giá bán.

Nhiều nông hộ ở Đắk Nông phản ánh năm 2024 bơ vừa mất mùa vừa mất giá

Những năm gần đây, bơ liên tục mất giá. Năm nay vừa mất mùa còn mất giá. So với năm ngoái, giá bán thấp hơn rất nhiều, bơ 034 chỉ khoảng 12.000 đồng/kg, bơ núi nưa khoảng 6.000 đồng/kg, nên chị phải đi nhiều nơi hỏi giá bán hòng vớt lại công cán, vốn đầu tư.

“3 tháng nay, riêng tiền điện tưới nước đã ngốn của tôi 15 triệu đồng, tôi đang cân nhắc lại việc phát triển cây trồng này”, chị Hạnh cho biết thêm.

Tương tự, chị Lê Thị Trang, thôn 6, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong có trên 3ha bơ 034. Năm nay, vườn bơ của chị chỉ đạt khoảng 20 tấn quả/ha, giảm khoảng 9 tấn/ha so với mọi năm.

Theo chị Trang, nguyên nhân bơ mất mùa là do thời tiết thay đổi thất thường. Mưa, gió nhiều vào thời kỳ cây ra hoa, nên lượng quả đậu thấp.

“Sản lượng thấp, nhưng việc tiêu thụ bước đầu cũng không mấy thuận lợi. Hiện giá bán tại vườn khoảng 12.000 đồng/kg, trong khi đó năm ngoái tại vườn là 16.000 đồng/kg nên tôi rất buồn về loại quả được coi là đặc sản này”, chị Trang cho biết thêm.

Bơ 034, một loại bơ đặc sản vùng Tây Nguyên, có một số ưu điểm như hình thức bên ngoài đẹp, thời gian chín sau khi hái khá lâu (khoảng 5-7 ngày). Ruột bơ 034 dày, béo, dẻo, hạt nhỏ, bóc vỏ dễ dàng. Nhờ đó, bơ 034 được người tiêu dùng ưa chuộng.

Khoảng 10 năm về trước, loại quả này từng gây sốt với giá lên tới 200.000 đồng/kg vào đầu vụ. Chính vụ, mức giá khoảng 50.000 đồng-60.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khoảng 3 năm trở lại đây, loại bơ này rớt giá mạnh.
 
Chị Mai Thị Thúy, thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R’lấp cho biết, năm nay chất lượng bơ bị ảnh hưởng do khô hạn, nắng nóng làm giảm giá mua, bán.

Chị Mai Thị Thúy, chủ vựa thu mua bơ tại thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R’lấp, cho biết, giá bơ các loại không cao, thậm chí còn có xu hướng giảm so với năm 2023. Giá bơ đặc sản 034 giảm cũng kéo theo giá các loại bơ khác đồng loạt giảm.

Điều đáng nói là nguồn cung không dồi dào như mọi năm, chất lượng bơ cũng không cao. Ví dụ như năm ngoái, mỗi ngày chị có thể thu mua, xuất bán 3 tấn bơ 034 loại 1 một cách dễ dàng. Nhưng năm nay để mua được 2 tấn/ngày là tương đối khó.

Bơ được chị mua chủ yếu phục vụ nhu cầu xuất khẩu sang thị trường Campuchia, Thái Lan và bán đi một số tỉnh ở khu vực miền Tây.

“Theo tôi, chất lượng bơ không cao một phần là do ảnh hưởng của thời tiết, nắng nóng gay gắt từ lúc người dân trồng đến khi thu hoạch, bảo quản, vận chuyển”, chị Thúy cho biết thêm.

Theo Sở NN-PTNT, những năm qua, diện tích bơ của tỉnh tăng mạnh trong một thời gian và hiện nay đang giảm dần. Cụ thể, năm 2019, diện tích bơ toàn tỉnh là 3.794ha, sản lượng đạt 15.050 tấn.

Năm 2020, diện tích bơ tăng lên thành 4.383ha, sản lượng 18.992 tấn. Năm 2023, giảm xuống còn 3.200ha, sản lượng đạt 16.000 tấn.

Quả bơ chủ yếu tiêu thụ tươi, dễ bị ảnh hưởng bởi vận chuyển, bảo quản

Phần lớn sản lượng bơ hiện nay ở Đắk Nông được bán tươi, không qua chế biến. Tỉnh chưa hình thành được các chuỗi giá trị về sản xuất, chế biến và tiêu thụ bơ bền vững.

Ngành chức năng đang có những đánh giá lại hiệu quả của cây bơ tại các địa phương gắn với từng vùng đất, khí hậu, giống, kỹ thuật phù hợp. Đồng thời khuyến cáo nông dân không nên mở rộng diện tích, hay chặt bỏ những giống bơ đang phát triển tốt.

Trần Thị Thoan

 
Nguồn "Báo Đắk Nông điện tử"

TIN NỔI BẬT

Hoa Kỳ mua hạt tiêu Việt Nam nhiều gấp 10 lần Ấn Độ

Trong năm nay, Hoa Kỳ tăng mạnh nhập khẩu hạt tiêu, trong đó vẫn chủ yếu mua hạt tiêu Việt Nam, với lượng cao gấp 10 lần so với nước đứng sau. Hoa Kỳ mua hạt tiêu Việt Nam nhiều gấp 10 lần Ấn Độ

Liên kết website

Mở liên kết
Bottom