Nỗi lo sầu riêng bị nấm bệnh

23/08/2023 09:01:29 GMT+7

Thiệt hại nặng nề

Gia đình ông Hà Văn Thuấn (tổ dân phố 9, thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H’leo) có 1 ha sầu riêng chuẩn bị thu hoạch năm thứ 3.

Ông cho biết, những năm trước, mưa thuận gió hòa nên vườn cây không bị sâu bệnh hại, năng suất đạt gần 20 tấn quả. Thế nhưng, năm nay, do thời điểm cuối tháng 7 đến đầu tháng 8 mưa liên tục nên vườn sầu riêng nhà ông đã bị nấm bệnh gây thối quả hàng loạt. Mặc dù ông đã phun thuốc, bón phân đúng kỹ thuật nhưng nấm bệnh vẫn phát sinh. Nhìn những quả sầu riêng to 2 - 4 kg đang thời kỳ đóng cơm buộc phải cắt bỏ, chôn lấp xa vườn để tránh lây lan, ông tiếc ngẩn ngơ nói: “Mới phát hiện nấm bệnh mà đã thiệt hại chừng 3 tấn quả”.

Gia đình ông Trịnh Văn Thanh (thôn Ea Chăm, xã Ea Tân, huyện Krông Năng) cũng đang ra sức cứu 2 ha sầu riêng chuẩn bị đến kỳ cắt trái. Chưa kịp mừng vì năm nay sầu riêng được mùa (năng suất ước đạt khoảng 40 tấn quả) mà giá lại cao, thì vợ chồng anh phải nghẹn ngào cắt bỏ khoảng 1/3 số lượng quả trong vườn do nhiễm nấm bệnh.

Anh chia sẻ: Tình trạng nấm quả trên cây sầu riêng xuất hiện từ nhiều năm nay, thế nhưng, những năm trước khoảng đến tháng 9 (trước thời điểm cắt sầu riêng chừng 15 ngày) thì trái mới có biểu hiện bị nấm bệnh. Song, mức độ bệnh nhẹ hơn. Năm nay mưa đến sớm và kéo dài nên hầu hết các vườn sầu riêng trong vùng đều bị nấm bệnh xâm hại, dù có phun thuốc phòng ngừa cũng bị mưa rửa trôi nên không hiệu quả.

Anh Trịnh Văn Thanh (thôn Ea Chăm, xã Ea Tân, huyện Krông Năng) kiểm tra vườn sầu riêng để xử lý nấm bệnh

Với nhà vườn là vậy, những thương lái đã trót bỏ tiền mua trọn vườn sầu riêng rồi tự chăm sóc cũng không tránh khỏi thực trạng buồn. Anh Lương Văn Hiệp (thôn 8, xã Ea Hiao, huyện Ea H’leo) có kinh nghiệm nhiều năm thu mua sầu riêng hiện cũng đang đứng ngồi không yên. Anh cho hay, năm nay do lượng mưa nhiều nên hầu khắp các vườn sầu riêng trong tỉnh đều bị nấm bệnh tấn công. Bị nặng nhất là ở các huyện Krông Năng, Krông Búk, Cư M’gar, có vườn thiệt hại tới trên 50%, thậm chí chết cả cây. Nấm bệnh này lây lan rất nhanh, nếu không sớm xử lý cắt bỏ trái bị nhiễm thì sẽ lây lan ra cả vườn. Hiện nay anh cũng đang thuê kỹ thuật viên ở miền Tây về xử lý, cứu vãn tình thế với những vườn sầu riêng anh chốt mua non trước đó.

Để phòng ngừa nấm bệnh

Theo ông Lê Đình Chủng, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Năng, hiện tượng sầu riêng bị thối quả hiện nay là do nhiễm nấm Phytophthora. Loại nấm bệnh này gây hại khi còn tồn tại trong đất, không chỉ với sầu riêng mà hầu hết các cây trồng. Trên sầu riêng thì loài Phytophthora gây hại phổ biến nhất, ngoài ra còn có các loại sâu đục quả, nấm cuống trái... cũng rất nguy hại. Khi gặp điều kiện thuận lợi như mưa nhiều, độ ẩm cao, nấm sẽ phát triển mạnh, lây lan nhanh hơn, nhất là những vườn bị ngập úng kéo dài. Bà con thường hay gọi là bệnh thối rễ, nứt thân, nứt trái, xì mủ, chảy nhựa… đều do nấm Phytophthora gây hại nhưng tùy thuộc vào bộ phận bị tấn công. Chúng có thể gây hại sầu riêng ở giai đoạn vườn ươm đến cây trưởng thành, tấn công mạnh vào rễ, thân, lá, hoa và trái.

Hằng năm, ngành nông nghiệp huyện Krông Năng đã phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo người dân không nên phá bỏ diện tích cà phê để chạy đua theo cây sầu riêng; không trồng sầu riêng ở khu vực đất trũng thấp, không phù hợp; sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý để cây sinh trưởng tốt, tăng sức đề kháng và cho năng suất cao, chất lượng bảo đảm... Cùng với đó, địa phương cũng phối hợp với cơ quan, đơn vị chuyên môn của tỉnh thường xuyên tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi cho người dân trong huyện. Riêng về cây sầu riêng mỗi năm cũng tập huấn 4 - 5 buổi thu hút hàng nghìn lượt người dân trong huyện tham gia.

Bên trong quả sầu riêng bị nhiễm nấm Phytophthora

Huyện Krông Năng hiện có 5.700 ha sầu riêng, trong đó có trên 2.000 ha sầu riêng kinh doanh. Những năm trước sâu bệnh hại sầu riêng diễn ra không đáng kể. Riêng năm nay, nấm bệnh Phytophthora bùng phát mạnh và sớm nên thiệt hại lớn cho người dân. Theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay các vườn sầu riêng trong huyện bị thiệt hại từ 20 - 30%. Dự kiến tình hình nấm bệnh trên sẽ còn tăng nữa nếu thời tiết mưa nhiều trong thời gian tới.

Để phòng ngừa nấm Phytophthora cũng như các loại sâu bệnh hại khác, ông Cao Văn Hà, chuyên viên Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Krông Năng khuyến cáo: Trong vườn sầu riêng, người dân cần phát dọn cỏ, lá khô dưới gốc cây, tạo cho đất trồng thông thoáng, tránh tình trạng ngập úng kéo dài; cân bằng dinh dưỡng cho cây trồng, hạn chế phân bón hóa học, tăng cường phân hữu cơ; phun thuốc phòng trừ nấm bệnh định kỳ; quét vôi hoặc dung dịch Bordeaux 1% quanh gốc vào đầu và cuối mùa mưa để hạn chế nấm tấn công từ gốc lên thân. Đối với quả nhiễm nấm thì chỉ còn cách cắt bỏ tránh lây lan. Với thân, cành có vết bệnh thâm đen và chảy nhựa thì nên dùng dao cạo bỏ phần mô bị chết, sau đó bôi thuốc có hoạt chất Mancozeb, Agrifos, Metalaxyl… pha tỷ lệ 1%. Nên bôi thuốc vào lúc trời nắng ráo; sử dụng các loại thuốc đặc trị nấm Phytophthora (pha theo nồng độ khuyến cáo)...

Lê Thành

Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

Liên kết website

Mở liên kết
Bottom