Vì sao chỉ dẫn địa lý hồ tiêu Đắk Nông chưa phát huy hiệu quả ?

12/04/2023 08:22:16 GMT+7

Tuy nhiên, sau gần 2 năm được bảo hộ, CDĐL “Đắk Nông” vẫn chưa được phát huy hiệu quả.

Chưa phát huy giá trị

Năm 2021, HTX Nông nghiệp thương mại dịch vụ tổng hợp Hưng Phát ở thôn 2, xã Hưng Bình (Đắk R’lấp) được cấp chứng nhận sử dụng CDĐL “Đắk Nông” cho sản phẩm hồ tiêu.

HTX đang có 41 hộ dân tham gia sử dụng CDĐL, với tổng diện tích là 41,3ha. Tuy nhiên, hiện nay, tại HTX cũng như vườn tiêu của các xã viên chưa có biển CDĐL “Đắk Nông”. Trên các sản phẩm hồ tiêu chưa có tem CDĐL. Sản phẩm xuất đi tiêu thụ cũng chưa gắn CDĐL “Đắk Nông”.

Sản phẩm hồ tiêu của Chi nhánh Công ty cổ phần Tập đoàn Trân Châu (Đắk Song) hiện đang xuất khẩu sang châu Âu

Ông Vũ Công Chinh, Giám đốc HTX cho biết, trên thực tế, để CDĐL gắn với thương hiệu không phải dễ. Trong đó, có một vướng mắc dễ thấy là, khi HTX bán sản phẩm cho doanh nghiệp hoặc bán trên thị trường tự do, dù có CDĐL thì giá cũng không cao hơn.

Do đó, HTX mong muốn các cấp, ngành quan tâm hơn tới CDĐL này. Nhất là việc mở các lớp tập huấn, hướng dẫn cho bà con hiểu, cách làm, cách phát triển thị trường khi có CDĐL. Có như vậy, hồ tiêu khi có CDĐL mới có giá trị về thương mại.

Tình trạng tương tự cũng lặp lại tại Chi nhánh Công ty Cổ phần Tập đoàn Trân Châu (Đắk Song). Công ty hiện đang có 390 hộ tham gia sản xuất hồ tiêu được quyền sử dụng CDĐL “Đắk Nông”, với tổng diện tích 885,67ha.

Sản phẩm hồ tiêu của Công ty xuất đi tiêu thụ đã qua tinh chế và thị trường chủ yếu là châu Âu. Tuy nhiên, Công ty hiện cũng chưa sử dụng CDĐL “Đắk Nông”.

Sản phẩm xuất đi cũng chưa được gắn tem CDĐL “Đắk Nông”. Phía đối tác cũng không đòi hỏi sản phẩm phải gắn tem CDĐL “Đắk Nông"…

Theo Sở KH&CN, tại các tổ chức, cá nhân còn lại sau khi được cấp chứng nhận cũng chưa sử dụng CDĐL. Hầu hết các hộ gia đình chỉ bán sản phẩm thô cho các đại lý hoặc doanh nghiệp thu mua. Một số hộ dân tự tổ chức kinh doanh sản phẩm mà không dùng đến CDĐL.

Cần đánh giá lại hiệu quả

Hoạt động xây dựng CDĐL hiện nay mới chỉ tập trung chủ yếu vào nội dung hồ sơ đăng ký sử dụng. Trong khi, hoạt động hỗ trợ quản lý và phát triển CDĐL còn hạn chế.

Nhiều hộ dân của Đắk Nông hiện đang tập trung sản xuất hồ tiêu theo các tiêu chuẩn quốc tế

Từ đó dẫn tới, các sản phẩm được bảo hộ chưa thực sự phát huy được giá trị như mong đợi. Các nguồn lực hỗ trợ lại nằm rải rác ở các nội dung khác nhau.

Trong đó, tập trung ở 3 ngành như: Nông nghiệp, KH&CN, Công thương. Tuy nhiên, sự phối hợp của 3 ngành này đối với sử dụng CDĐL rất hạn chế. Nguồn lực bị phân tán, nên chưa phát huy được hiệu quả.

Các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm hồ tiêu trên địa bàn chưa quan tâm đến việc sử dụng CDĐL. Các đơn vị chưa nhận thấy ưu điểm và tính thiết yếu của việc sử dụng CDĐL. Năng lực quản lý và khai thác nhãn hiệu của các chủ thể được trao quyền chưa được phát huy.

Hầu hết các tổ chức, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận sử dụng CDĐL “Đắk Nông” là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình. Sản phẩm hồ tiêu thương phẩm chưa có.

Cũng theo Sở KH&CN, để phát huy hiệu quả của CDĐL “Đắk Nông” cho sản phẩm hồ tiêu thì cần đánh giá lại hoạt động cấp Giấy chứng nhận cho các tổ chức, cá nhân.

Chất lượng, đặc tính nổi bật, ưu thế của sản phẩm hồ tiêu Đắk Nông so với các địa phương khác cần được quan tâm, nghiên cứu, đánh giá lại.

Đặc biệt, hệ thống xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm cần sớm được mở rộng, phát triển. Trong đó, các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, HTX, doanh nghiệp cần tăng cường hơn nữa.

Lê Dung

Nguồn "Báo Đắk Nông điện tử"
Bottom