Chanh dây vẫn khó "leo cao"

21/09/2022 10:17:38 GMT+7

Gia đình ông Nguyễn Duy Vỹ, thôn 3, xã Đắk Sin (Đắk R’lấp), nhiều năm nay đã canh tác chanh dây trên diện tích gần 5 sào. Chanh dây đưa lại nguồn thu nhập khá ổn định cho gia đình ông, bình quân mức lãi khoảng 50 triệu đồng mỗi năm.

Theo ông Vỹ, trồng chanh dây khó nhất là việc phát hiện và phòng, chống các loại dịch bệnh. Nhiều loại bệnh, sinh vật gây hại như cứng trái, quăn lá, đốm dầu, nhện đỏ, bọ xít, ruồi đục trái ảnh hưởng lớn tới năng suất, chất lượng sản phẩm.

Giá bán chanh dây những năm qua cũng chịu nhiều tác động của thị trường. Một phần do chất lượng sản phẩm chưa cao, nên càng chịu sự chi phối lớn của các tư thương.

Ông Nguyễn Duy Vỹ, thôn 3, xã Đắk Sin (Đắk R’lấp) thu lãi 50 triệu đồng/năm từ chanh dây

Không chỉ gia đình ông Vỹ, sản xuất chanh dây thiếu tính bền vững, không liên kết, sản phẩm còn nhiều hạn chế, chưa gắn với các chứng nhận chất lượng là đặc điểm phổ biến hiện nay.

Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, trước thực tế trên, những năm gần đây, ngành Nông nghiệp đã đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm phát triển chanh dây bền vững.

Cụ thể, ngành Nông nghiệp đã tập trung kiểm soát chất lượng nguồn giống; hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật canh tác chanh dây cho người dân. Khâu tổ chức, hình thành các vùng trồng, sản xuất chanh dây đạt các chứng nhận như hữu cơ, VietGAP... được các cấp, ngành quan tâm.

Tuy nhiên, trên thực tế, sản xuất chanh dây vẫn chủ yếu tự phát, phát triển theo phong trào, chất lượng thấp. Đến nay, diện tích chanh dây của tỉnh đạt chứng nhận tiêu chuẩn chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, khoảng 15%.

Cũng theo ông Phạm Tuấn Anh, Sở NN-PTNT đang tích cực phối hợp với một số doanh nghiệp hàng đầu về chế biến, xuất khẩu trái cây để xây dựng các mối liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm chanh dây.

Ngành Nông nghiệp tiếp tục định hướng phát triển chanh dây gắn với phát triển thị trường tiêu thụ trong nước, mở rộng xuất khẩu. Trong đó, tỉnh hướng tới thành lập các tổ hợp tác, HTX với vùng trồng chanh dây lớn, đạt chuẩn.

Phần lớn người dân sản xuất chanh dây chưa chú trọng khâu tiêu chuẩn chất lượng

Dư địa phát triển chanh dây còn rất lớn, nhất là những năm gần đây, nhu cầu nhập khẩu chanh dây của nhiều nước trên thế giới tăng mạnh. Cụ thể, chanh dây nằm trong nhóm 10 loại cây ăn quả của Việt Nam có giá trị xuất khẩu cao nhất năm 2021.

Trong vòng 5 năm qua, sản lượng và giá trị xuất khẩu chanh dây Việt Nam tăng hơn 300%. Hiện sản lượng xuất khẩu chanh dây của Việt Nam chỉ đứng sau Brazil, Peru, Ecuador.

Ngoài chanh dây dạng dịch múc đông lạnh, dư địa về xuất khẩu tươi nguyên quả cũng còn khá lớn. Tuy nhiên, để xuất khẩu được chanh dây quả tươi là điều không dễ.

Các nhà vườn, cơ sở đóng gói chanh dây phải tuân thủ nghiêm ngặt nhiều yêu cầu của phía đối tác. Ông Nguyễn Công Vương, Trưởng Phòng Kinh doanh, Công ty Cổ phần chanh dây Nafood (Nghệ An), cho biết, 1 kg chanh dây nhà nông bán làm dịch múc hiện ở mức 10.000-20.000 đồng.

Còn chanh dây quả tươi xuất khẩu có giá đến 60.000 đồng/kg. Nhu cầu mua quả chanh dây tươi của nhiều nước ngày càng tăng, nên giá có thể cao hơn nữa.

Tuy nhiên, với các thị trường đem lại giá trị xuất khẩu cao như EU, Nhật Bản..., quả chanh dây tươi phải được trồng theo quy trình GlobalGAP, đạt tiêu chuẩn MRL (giới hạn dư lượng tối đa).

Thực tế diện tích chanh dây đạt chứng nhận GlobalGAP trên quy mô cả nước còn rất ít. Do đó, Đắk Nông cần sớm xây dựng các vùng trồng chanh dây đạt các tiêu chuẩn chứng nhận, phát triển loại cây trồng này bền vững, hướng tới xuất khẩu.

Trần Lê

Nguồn "Báo Đắk Nông điện tử"
Bottom