Chia sẻ kinh nghiệm ngăn chặn hồ tiêu rụng bông rụng quả

20/06/2022 10:32:29 GMT+7

 Bài viết đúc kết sau nhiều năm quan sát, tìm hiểu nguyên nhân làm hồ tiêu rụng bông, rụng quả và chia sẻ một số kinh nghiệm ngăn chặn hiệu quả để cộng đồng tham khảo.

Lão nông @ Trịnh Văn Ba ở khối 11, thị trấn Ea K'Nôp, huyện Ea Kar...

Lão nông @Trịnh Văn Ba không ra vườn vì trời mưa thì lên net…

Ba nguyên nhân gây rụng bông, rụng quả Hồ tiêu gây thiệt hại lớn – biện pháp phòng ngừa.

Chào cộng đồng Giatieu.com. Chào các bạn !

Nguyên nhân gây rụng bông, rụng quả ở cây hồ tiêu thì có rất nhiều. Nếu không xác định đúng nguyên nhân sẽ không có biện pháp phòng ngừa đúng, không có cách chữa trị hợp lý. Phòng trị vu vơ sẽ thiệt đơn hại kép. Do tài liệu về chuyên đề này đã có rất nhiều nên trong khuôn khổ từ bài viết này, tôi chỉ đề cập 3 nguyên nhân gây thiệt hại nặng nề nhất mà tôi và rất nhiều bà con trồng tiêu đã từng gặp để cộng đồng tham khảo.

1.Gió phơn

Loại gió này thường xuất hiện vào khoảng cuối tháng Ba đến tháng Sáu âm lịch hàng năm.

Đặc điểm : rất khô ; gió đi tới đâu sẽ làm cho độ ẩm không khí nơi đó xuống thấp cực kì. Do đó, vườn tiêu nào đang trong thời kỳ nở hoa thụ phấn gặp đợt gió này coi như gặp tai họa lớn.
Khi nở hoa tiêu cần độ ẩm rất lớn để bung bao phấn ; khô quá bao phấn sẽ không bung nổi và tiến trình thụ phấn sẽ diễn ra rất khó khăn. Hậu quả là rất nhiều bông không kết hạt sẽ rụng ồ ạt ; số còn lại sẽ bị răng cưa. bồ cào nặng. Gió phơn rất dễ nhận diện ; đó là, sáng sớm ra vườn ta không thấy các loại lá cây “ướt sương”như thường gặp vào mỗi sáng sớm. Gió này chỉ gây hại ở thời kỳ tiêu nở hoa thụ phấn. Gặp trường hợp này những biện pháp chữa trị trở nên vô ích.

Biện pháp phòng ngừa :

– Chủ động cho tiêu nở bông sớm, với điều kiện : Chủ động tưới, đủ thời gian cắt nước.

– Bón xịt các loại phân có chất điều hòa sinh trưởng, giàu trung vi lượng. Kinh nghiệm của tôi là không thể thiếu can xi –bo khi tiêu đang giai đoạn cựa gà. Chú ý thực hiên 4 đúng.

– Duy trì độ ẩm cao cho toàn bộ bề mặt đất vườn.

– Không rong tỉa cành nhánh của cây trụ sống vào thời điểm này.

– Vườn có trồng cây tươi che phủ như lạc dại hay các loại rau cỏ hữu ích khác thì càng tốt.

2.Sử dụng thuốc trừ bệnh gốc đồng khi tiêu đang mang bông, mang trái

Thuốc gốc đồng phòng trị được nhiều loại vi nấm gây hại trên cây trồng là việc rất bình thường. Nhưng với hồ tiêu chỉ sử dụng được ở những giai đoạn nhất định, như dùng để rửa vườn sau khi thu hoạch sẽ có tác dụng tốt. Trái lại sử dụng thuốc gốc đồng trên cây hồ tiêu vào những thời điểm khác sẽ gây hại, đặc biệt là làm rụng bông, rụng quả.

Mức độ thiệt hại tùy vào từng thời điểm xịt, liều lượng, thời tiết,… mà có mức thiệt hại khác nhau. Nặng nề nhất là xịt thuốc gốc đồng khi hồ tiêu đang mang bông hoặc quả non. Vài tuần sau xịt thuốc tiêu sẽ ồ ạt rụng. Vì rụng sau khi xịt thuốc một thời gian khá dài nên ta không biết được nguyên nhân chính và cái kết là chữa trị vu vơ, hại đơn hại kép. Chưa hết, sau khi rụng ồ ạt, sẽ tiếp tục rụng lai rai cho tới khi không còn gì để rụng.

Số quả còn lại trên cây sau lần rụng đầu tiên rất chậm lớn, quả to quả nhỏ không đều. Người làm vườn nóng lòng – muốn tăng nhanh kích cỡ quả nên gia tăng chăm bón. Càng bón, càng xịt các dưỡng chất sẽ khiến cho quả càng rụng mạnh. Lúc thu hoạch sẽ chẳng còn được bao nhiêu. Quả bé, xấu mã, nhiều quả không có sọ… đó là cái kết chua xót.

Biện pháp phòng ngừa rất đơn giản: Không bao giờ sử dụng thuốc gốc đồng xịt cho tiêu khi đang mang bông mang trái.

3.Sốc nhiệt

Sẽ nhất nhiều bạn thấy lạ tai khi đọc 2 từ này với cây hồ tiêu. Vâng, tôi phải dùng 2 từ này mới phản ánh đúng.

Suốt thời kì mang bông mang trái – tiêu rất cần đủ nước để hòa tan khoáng chất các loại để nuôi cây nuôi trái và điều tiết nhiệt cho cây…. Để đáp ứng nhu cầu đó, ta phải thường xuyên tưới.

Vì nhiều lẽ, nên đa số chúng ta đang dùng biện pháp tưới dí. Không có gì đáng nói nếu như ta biết được mhu cầu của cây để tưới đúng lúc, đúng quy cách và đúng chỗ.

Khi thời tiết nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời cao, sẽ làm cây mất nước nhanh chóng. Buổi trưa và đầu giờ chiều nhiệt độ có thể lên tới 39 – 40 độ C hoặc hơn nữa, tiêu sẽ rũ lá. Xót quá, ta tưới cả lên trụ cho “mát”. Vài ngày sau, những trụ tiêu được tưới lúc này, kiểu này, quả sẽ thi nhau rụng.

Giống như một số nguyên nhân gây rụng khác, khi cây hồ tiêu bị tác động sẽ không rụng ngay lập tức mà phải có một thời gian nhất định bông mới chịu rời cành . Và rồi, do không rõ nguyên nhân nên chữa trị “vu vơ” thiệt đơn hại kép.

Tại sao ? Đơn giản là cây hồ tiêu bị sốc nhiệt ; bài học vật lý đơn giản ở bậc cơ sở : “….vật chất khi nóng thì nở ra, lạnh thì co lại…”  Trong trường hợp này cây tiêu đang nóng, ta tưới nước làm lạnh đột ngột khiến cành co, bông co về tâm ; tầng rời giữa bông và cành coi như đã “xong”, chờ ngày rụng.

Biện pháp phòng ngừa : rất đơn giản – không tưới nước lúc nắng quá nóng.

Thưa cộng đồng, thưa các bạn !

Trong nội dung bài viết này, tôi nêu 3 nguyên nhân gây rụng bông, rụng quả, và chỉ nêu biện pháp phòng ngừa mà không nêu cách chữa trị ? Bởi vì hiện tại không có thuốc chữa và cách để trị, nếu mắc phải chịu hậu quả nặng nề.

Chút ít kinh nghiệm chia sẻ cùng cộng đồng và các bạn tham khảo.

Chúc các bạn tốt sức khỏe, tốt hồ tiêu, tốt mùa, tốt giá..!

Trịnh Văn Ba

Khối 11, thị trấn Ea K’Nốp, huyện Ea Kar, Đăk Lăk

giatieu.com
Bottom