Doanh nghiệp chế biến hồ tiêu - cái khó đang bó cái khôn

02/06/2022 16:03:20 GMT+7

HTX Nông nghiệp hữu cơ Đắk Nông (Gia Nghĩa) được thành lập năm 2017. Mục tiêu của HTX là tập hợp những nông dân cùng chí hướng sản xuất hữu cơ để nâng cao giá trị sản phẩm.

Trong đó, HTX tập trung vào 2 loại cây trồng chủ yếu là cà phê và hồ tiêu. Với sản lượng khoảng 100 tấn hồ tiêu hữu cơ/năm, HTX này đã liên kết với các doanh nghiệp để cung ứng hồ tiêu hữu cơ.

HTX cũng thử nghiệm chế biến sâu sản phẩm hồ tiêu. Đây là hướng đi nhằm nâng cao giá trị sản phẩm hồ tiêu hữu cơ của HTX và được đánh giá là hướng đi bền vững, lâu dài.

Theo ông Phạm Văn Thạch, Giám đốc HTX, đã từng có thời điểm, HTX dành khoảng 25% sản lượng để chế biến các sản phẩm như tiêu nghiền bột, tiêu ngâm dấm, tiêu ngâm nước muối…

Việc bảo quản hồ tiêu sau thu hoạch đã được các HTX, doanh nghiệp chế biến hồ tiêu ở Đắk Nông quan tâm

Tuy nhiên, sự đổi mới về hồ tiêu chưa thực sự được quan tâm, chú ý. Sau thời gian thử nghiệm không thành công, HTX đã quay lại chế biến các sản phẩm thô như tiêu đen, tiêu trắng, tiêu đỏ.

Ông Thạch chia sẻ: "Chúng tôi cũng muốn chế biến ra sản phẩm tốt, chất lượng để đưa ra thị trường trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, chúng tôi không có máy móc và công nghệ hiện đại để xây dựng chuỗi chế biến. Tham vọng này đã dừng lại ở dạng ước mơ".

Theo ông Nguyễn Nho Lý, Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư XNK An Phong, để chế biến sâu sản phẩm hồ tiêu cần nguồn tài chính rất lớn. Trong khi đó, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ và siêu nhỏ.

Do đó, việc xây dựng sản phẩm hồ tiêu với công nghệ chế biến sâu còn gặp vô vàn khó khăn. Trong khi, việc tiếp cận các chương trình ưu đãi của Nhà nước của các doanh nghiệp còn rất hạn chế, chỉ được phần nhỏ và không đủ đầu tư.

Đắk Nông được đánh giá là vùng đất cho năng suất hồ tiêu cao nhất Việt Nam. Toàn tỉnh hiện có khoảng 34.000 ha hồ tiêu với sản lượng đạt trên 60.000 tấn. Cuối năm 2021, hồ tiêu Đắk Nông được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) công bố chỉ dẫn địa lý.

Nhiều doanh nghiệp Đắk Nông vẫn loay hoay trong chế biến sản phẩm hồ tiêu thô do hạn chế năng lực tài chính

Tuy nhiên, việc chế biến sâu hồ tiêu chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Nguyên nhân chủ yếu là do năng lực các doanh nghiệp của Đắk Nông còn nhiều hạn chế.

Việc chế biến sâu cần nguồn lực rất lớn, nhưng hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản đều có quy mô nhỏ và siêu nhỏ.

Một tín hiệu vui đối với hồ tiêu là nhiều doanh nghiệp lớn chuyên về xuất khẩu nông sản nói chung, hồ tiêu nói riêng, như Trân Châu, OLAM… đã đặt chân đến Đắk Nông.

Các doanh nghiệp này đã xây dựng được vùng nguyên liệu có đủ tiêu chí kỹ thuật. Sản phẩm của các doanh nghiệp này chế biến tại Đắk Nông đã tiệm cận và đang từng bước chinh phục thị trường thế giới.

Những tín hiệu khởi sắc này vô hình tạo ra sức ép lớn hơn đối với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hồ tiêu tại Đắk Nông. Nếu không có sự thay đổi, sức cạnh tranh trong sản phẩm chế biến hồ tiêu của các doanh nghiệp sẽ có nguy cơ suy yếu.

Nhiều doanh nghiệp sẽ mãi loay hoay trong đầu tư chế biến thô, sản phẩm xuất khẩu chỉ cạnh tranh bằng giá ở phân khúc thấp.

Bài, ảnh: Thanh Hà

Nguồn "Báo Đắk Nông điện tử"
Bottom