Lão nông khát vọng nâng tầm trái cây Việt

03/10/2020 09:07:05 GMT+7

Đó là lão nông Dụng Quý Đông ở ấp Suối Nhung, xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Hơn 30 năm gắn bó với nông nghiệp, ông Đông đã gây dựng được một trang trại hơn 20ha, trồng nhiều loại cây ăn trái đạt chuẩn VietGAP.

Chặt bỏ cao su thời hoàng kim

“Từ 30 năm trước, khi mới trồng cây ăn trái, tôi đã áp dụng quy trình chăm sóc sạch, vì tôi không muốn trái cây bẩn gặm nhấm sức khỏe con người”, ông nói.

Mặc dù là nông dân “rặt”, chưa qua trường lớp gì, nhưng kiến thức về nông nghiệp của ông chẳng thua gì kỹ sư. Ông vừa làm vừa viết những kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng, bơ, điều, cam, quýt ra sách để phổ biến cho bà con.

Một góc trang trại Dụng Quý Đông. Ảnh: Phúc Lập.

Ông Đông vốn quê ở miền Tây, năm nay gần 60 tuổi. Năm 1983, khi mới ngoài 20 tuổi, ông theo gia đình lên Bình Phước lập nghiệp. Vừa khai hoang trồng cây, ông vừa dành dụm tiền mua đất. Sau gần 20 năm lập nghiệp ở vùng đất mới, gia đình ông đã có 15ha đất, chủ yếu trồng cao su. Và hiện nay, diện tích đất đã tăng gần gấp đôi. 

“Hơn chục năm trước, giá cao su đang ở mức cao, nhưng tôi vẫn quyết định chặt bỏ hơn 10ha đang cho thu hoạch để chuyển sang trồng sầu riêng và các loại cây ăn trái khác. Lúc đó ai cũng bảo tôi có vấn đề thần kinh. Nhưng tôi thì thấy trước giá cao su sẽ tụt, trong khi diện tích trái cây chưa nhiều, nhất là sầu riêng, loại trái cây cao cấp”, ông Đông kể.

Lão nông Dụng Quý Đông. Ảnh: Đức Dũng.

Theo tính toán của ông Đông, mỗi ha trồng 200 cây sầu riêng, sau 5 năm chăm sóc tốt có thể thu hoạch. Bình quân mỗi gốc cho 100kg trái, tức mỗi ha thu 20 tấn. Với giá bán tại vườn 35 ngàn đồng/kg, trừ chi phí, còn lời 500 triệu đồng/ha. “Thời điểm 2011, giá cao su lên đỉnh, nhưng nếu so với cây sầu riêng thì vẫn thua xa. Hơn nữa, cây cao su phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường quốc tế và giá lên xuống theo chu kỳ. Nếu chỉ đầu tư vào cao su thì rủi ro rất cao. Đó là lý do tôi chặt bỏ 10 ha cao su đang thời hoàng kim sang trồng sầu riêng và các loại cây ăn trái khác”, ông Đông nói.

Trên diện tích 20ha, ông Đông quy hoạch thành nhiều lô riêng biệt, mỗi lô trồng một loại cây riêng, gồm sầu riêng, măng cụt, bơ Mỹ, mít Thái, quýt đường, bưởi da xanh. Xen giữa các lô là những chiếc hố hình chữ nhật rộng 4m2, để ủ lá cây, cỏ, rác hoai mục, sau đó bón gốc cây thay đất. Vào mùa khô, những hố này trở thành hồ chứa nước tưới.

Ông Dụng Quý Đông bên cây điều cổ thụ. Ảnh: Phúc Lập.

Một trong những loại trái cây mà ông Đông là người đầu tiên ở Bình Phước lên tận Trung tâm giống cây trồng Eakmart ở Đắk Lắk tìm mua và học cách làm giống, sau đó mang về trồng, đó là bơ Mỹ. Giống bơ này mới du nhập vào Việt Nam chưa lâu. Theo tính toán của ông, mỗi ha trồng được 300 cây bơ. Sau 4-5 năm cho thu hoạch. Từ năm thứ 7 trở đi, sản lượng bình quân khoảng 50kg/cây. Giá bán tại vườn 50 ngàn đồng/kg thì tổng doanh thu 750 triệu đồng/ha. Trừ chi phí chiếm khoảng 15% doanh thu thì lợi nhuận từ cây bơ Mỹ sẽ là trên 600 triệu đồng/ha.

Đến khu vực có cây sầu riêng khá lớn, ông Đông nói: "Nó gần 20 năm tuổi rồi đấy. Năm 2002-2003, cả vườn bị bệnh nấm gây xì mủ thân cây, làm khô vỏ. Tôi phải cố gắng lắm mới cứu được. Mình trồng cây, cây cho trái, thì mình phải biết thương chúng như người thân. Mỗi khi tôi căng thẳng, mệt mỏi, chỉ cần ra vườn dạo một lúc là khỏe lại”.

Khát vọng nông nghiệp công nghệ cao

“Tôi muốn xây dựng trang trại của mình thành mô hình thực tiễn phát triển cây ăn trái đặc chủng của miền Đông”, ông Đông tâm sự và cho biết, tham vọng này ông ấp ủ từ lâu.

“Để người nông dân sản xuất ổn định, phát triển bền vững, theo ông, cần những yếu tố gì?”, tôi hỏi. Ông đáp: “Cần chọn lựa cây trồng phù hợp từng vùng. Loại cây trồng nào đã “bão hoà” rồi thì đừng trồng thêm, trồng mới nữa, ví dụ các loại cây như cao su, điều, cà phê, hồ tiêu…trong khi nhu cầu tiêu thụ các loại trái cây, nhất là trái cây sạch, chỉ tăng chứ không giảm. Trong khi đó, nhiều loại cây ăn trái như sầu riêng, quýt đường, bưởi da xanh, măng cụt, bơ Mỹ…rất phù hợp thổ nhưỡng Bình Phước.

Vườn điều của ông Đông không chỉ cho năng suất cao, mà ít khi bị ảnh hưởng thời tiết, sâu bệnh. Ảnh: Phúc Lập.

Đơn cử như cây sầu riêng, mặc dù trồng ở Bình Phước chưa lâu, nhưng cũng đủ cho thấy chất lượng ngang hoặc hơn so với các vùng sầu riêng lâu đời. Riêng giống bơ Mỹ thì miền Tây không trồng được nên nông dân Bình Phước không sợ “đụng hàng”. Đặc biệt, theo tôi biết, những loại trái cây này nhiều nước không trồng được vì yếu tố thổ nhưỡng, khí hậu, nên nếu mình làm quy trình bài bản thì chuyện xuất khẩu là trong tầm tay.

Ngoài ra, cần áp dụng quy trình chăm sóc sạch, theo hướng hữu cơ. Đó là hướng phát triển bền vững, cây trồng phát triển ổn định lâu dài, năng suất cũng ổn định, còn sản phẩm không lo đầu ra.

“Khó khăn trong việc thực hiện một mô hình trang trại cây ăn trái theo hướng VietGAP là gì?”, tôi hỏi. Ông Đông trầm ngâm một lát rồi nói: “Cũng khá tốn kém lúc đầu. Để trồng 1ha bưởi da xanh hay măng cụt đạt tiêu chuẩn sạch, cần kinh phí lớn và thời gian từ 5-7 năm. Chi phí cho vườn cây trong thời gian này khoảng 500-600 triệu đồng. Do kinh phí lớn nên ít nhà nông đáp ứng được. Nhưng sau khi thu hoạch, chỉ cần 1-2 vụ là thu cả vốn lẫn lời... Để giảm kinh phí, tôi sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật, cây giống và quy trình sản xuất. Nhà vườn không lo đầu ra vì hệ thống siêu thị trong nước và thị trường xuất khẩu trái cây hiện rất nhiều tiềm năng.

Các sản phẩm trái cây của trang trại Dụng Quý Đông đều đạt chuẩn VietGAP. Ảnh: Đức Dũng.

Bình Phước có khoảng 20% diện tích đất có địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với cây ăn trái. Để xây dựng một vùng chuyên canh cây ăn trái cần có sự hỗ trợ của nhà nước trong quy hoạch. Sau khi quy hoạch, xem xét nếu đủ điều kiện, cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để người dân có thể thế chấp ngân hàng vay vốn đầu tư (hầu hết diện tích có thể trồng được cây ăn trái thuộc đất lâm phần nên chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Mặt khác, nhà nước cũng tạo điều kiện để nông dân tiếp cận vốn vay ưu đãi hỗ trợ phát triển nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng phù hợp.

Với khát vọng nâng tầm trái cây Bình Phước nói riêng và Việt Nam nói chung, ông Đông đã tự tay viết đề án xây dựng mô hình phát triển cây ăn trái và dự định trình UBND tỉnh xem xét. Ông ao ước Bình Phước và nhiều địa phương khác trong tương lai gần sẽ có những vùng quy hoạch trồng cây ăn trái rộng lớn, công việc chăm sóc như phun, tưới được thực hiện bằng trực thăng…

Phúc Lập

 

Nguồn: nongnghiep.vn
Bottom