Nông dân cắt giảm chi phí sản xuất, thị trường phân bón rơi vào ế ẩm

21/04/2020 16:36:24 GMT+7

Ngay từ đầu năm 2019, giá cà phê tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất trong mười năm qua. Có thời điểm, cà phê chỉ còn khoảng 29.000 đồng/kg. Trong khi giá thành 1kg cà phê giao động từ 32.000 – 33.000 đồng/kg. Giá cà phê thấp, buộc nông dân phải hạn chế đầu tư để giảm lỗ. Điều này khiến cho nhiều đại lý phân bón rơi vào cảnh ế ẩm, bán không hết hàng.

Qua tìm hiểu của phóng viên Báo Đắk Nông, tại nhiều đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp hiện nay, nhiều loại phân bón mùa khô vẫn còn đầy trong kho. Trong số này, có nhiều loại phân đã sắp hết hạn sử dụng.

Chuẩn bị vào mùa mưa, nhưng lượng phân bón mùa khô của Đại lý phân bố Thế Hà, xã Đắk Sô (Krông Nô) vẫn còn chất đầy trong kho

Niên vụ vừa qua, với hơn 1 ha cà phê, gia đình anh Nguyễn Văn Kiên, ở thôn 6, xã Đắk Ha (Đắk Glong) thu được hơn 2,5 tấn cà phê nhân. Sau thời điểm thu hoạch cà phê, anh đã bán đi 2 tấn để trả nợ. Còn lại 5 tạ, anh dành lại chờ tới đợt tưới nước lần 2 cho cà phê mới đem ra bán để lấy tiền mua phân bón, xăng dầu. Thế nhưng, đến đầu tháng 3/2020, đúng thời điểm vườn cà phê cần bón phân để nuôi trái non, tăng sức chống hạn, giá cà phê lại liên tục "lao dốc", chỉ còn 30.000 đồng/kg.

Anh Kiên cho biết: “Với khoảng tiền bán cà phê có được không thể đủ để vừa mua phân bón, vừa phục vụ chi tiêu cho gia đình. Do đó, tôi phải giảm lượng phân bón cho cà phê xuống còn một nửa so với trước đây”.

Theo anh Kiên, với giá bán cà phê dưới giá thành sau sản xuất như hiện nay, người dân sẽ không đủ khả năng tái đầu tư. Trong khi đó, giá phân bón, vật tư, nhân công lại tăng lên theo từng năm. Với tình trạng đó, những hộ có diện tích cà phê từ 1 – 2 ha lại càng khó lòng mà "trụ" được trong thời điểm hiện nay và buộc phải cắt giảm chi phí sản xuất.

Cũng gặp khó khăn tương tự, gia đình anh Lê Viết Thanh, ở thị trấn Đắk Mâm (Krông Nô), phải dời thời điểm bón phân cho rẫy cà phê, hồ tiêu đến tháng 6/2020. Theo anh Thanh, trong những tháng mùa khô, anh chỉ cố gắng đầu tư tiền xăng, dầu để bơm nước cung cấp cho vườn cây. Thế nhưng, anh cũng chỉ tưới nước vừa phải để cho cây duy trì sự sống, không để bị suy kiệt. Trải qua mấy đợt tưới nước, nhưng anh chỉ mới bón phân cho cà phê được một đợt vào đầu mùa.

"Không riêng gì tôi, việc cắt giảm lượng phân bón cho cây trồng cũng đang xảy ra khá phổ biến đối với các hộ dân khác trên địa bàn", anh Thanh cho biết.

Đại lý phân bón của ông Nguyễn Văn Như, xã Trường Xuân (Đắk Song) lâm vào cảnh ế ẩm, không bán được hàng

Để hạn chế chi phí đầu tư, có không ít hộ dân cũng đã tìm cách thay thế nguồn phân bón hóa học bằng phân hữu cơ làm bằng phân chuồng, bã thực vật ủ hoai để bón cho cây trồng. Chẳng hạn như gia đình ông Nguyễn Văn Cường, ở xã Nam Đà (Krông Nô), đã sử dụng phân bò ủ với vỏ cà phê, vỏ trấu để chăm sóc cho vườn cây. Ông Cường cho hay, nhờ có phân hữu cơ mà gia đình giảm được bớt chi phí trong sản xuất, đến cuối vụ còn kiếm được chút lời lãi...

Việc nông dân cắt giảm chi phí đầu tư, chuyển hướng sử dụng phân bón cũng đã tác động khá lớn đến nhiều cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp. Đại lý phân bón Thái Hà, ở xã Đắk Sô (Krông Nô) đã lâm vào cảnh ế ẩm vì phân nhập về mà không bán ra được.

Bà Nguyễn Thị Kim Châu, chủ đại lý cho biết, vào thời điểm này các năm trước, đại lý thường nhập vài chục tấn phân để cung cấp cho bà con. Thế nhưng năm nay, bà chỉ nhập phân theo từng đợt, với số lượng nhỏ lẻ. Nguyên nhân là do giá cả nông sản xuống thấp, kèm với đó là tác động của dịch Covid – 19, khiến cho đời sống của bà con nông gặp nhiều khó khăn, không có tiền để mua phân nhiều như trước đây.

Bà Châu cho hay: “Nếu như mọi năm, đến tháng 2 dương lịch là tôi không còn một bao phân mùa khô nào. Vậy mà năm nay, phân vẫn còn chất đầy kho. Chưa năm nào người dân hạn chế mua phân như năm nay”.

Theo một số doanh nghiệp sản xuất phân bón, do diễn biến phức tạp của dịch Covid – 19, thị trường phân bón Việt Nam từ tháng 3-4/2020 giao dịch rất chậm. Cũng do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, khiến việc xuất khẩu nông sản sang nhiều thị trường chính, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, bị ngưng trệ. Vì thế, hầu hết các mặt hàng nông sản đều giảm giá mạnh, tác động tiêu cực đến thu nhập của nông dân, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ phân bón, vật tư nông nghiệp trong nước bị sụt giảm theo...

Bài, ảnh: Văn Tâm

nguồn "Báo Đắk Nông điện tử"
Bottom