Nông dân huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: TTXVN.
Đặc biệt, các thị trường xuất khẩu như Mỹ và châu Âu (EU) đều tăng trưởng mạnh. Dự báo, với việc giá xuất khẩu đang thuận lợi, năm 2024 ngành hồ tiêu sẽ mang về 1,3 tỷ USD…
Giới chuyên gia kinh tế nhận định, về dài hạn, giá hồ tiêu xuất khẩu sẽ vẫn được hỗ trợ, bởi sản lượng mặt hàng này của Việt Nam trong vụ mùa 2025 dự kiến giảm. Vụ hồ tiêu năm 2025 tại Việt Nam sẽ thu hoạch gần như toàn bộ vào tháng 2, một số vùng kéo dài đến tháng 3 và tháng 4, chậm hơn 1-2 tháng so với những năm trước do ảnh hưởng của hạn hán kéo dài khiến nguồn cung hồ tiêu ngày càng khó khăn.
Trong khi đó, theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, lượng hồ tiêu trong dân gần như không còn, chỉ còn ở trong các đại lý và kho của doanh nghiệp. Tồn kho vụ 2023 chuyển sang cộng với lượng nhập khẩu năm 2024 vào khoảng 40.000 - 45.000 tấn (kể cả nhập khẩu tiểu ngạch), cho thấy nguồn hàng xuất khẩu cho tới cuối năm sẽ thấp hơn mọi năm và cho đến tháng 3/2025 khi vụ mùa 2025 dự kiến sẽ thu hoạch. “Trong 3 - 5 năm tới, sản lượng hồ tiêu toàn cầu vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Khi nguồn cung khan hiếm sẽ đẩy giá hồ tiêu lên” - bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam nhận định.
9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu 200.894 tấn hồ tiêu, với tổng giá trị đạt 991 triệu USD. Trong đó, tiêu đen chiếm 781,9 triệu USD và tiêu trắng đạt 142,1 triệu USD. Mặc dù lượng xuất khẩu giảm nhẹ 1,7%, giá trị xuất khẩu lại tăng mạnh nhờ giá bình quân của tiêu đen và tiêu trắng tăng lần lượt 40,9% và 30,4%.
Châu Á vẫn là khu vực xuất khẩu lớn nhất của hồ tiêu Việt Nam chiếm 37,8% đạt 75.859 tấn, tuy nhiên so cùng kỳ giảm 33,7%, trong đó chủ yếu giảm từ thị trường Trung Quốc. Xuất khẩu sang châu Mỹ đạt 62.634 tấn, tăng 49,6%, trong đó Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hồ tiêu Việt Nam đạt 57.289 tấn, chiếm 28,5% thị phần và tăng 53,1% so với năm trước. Xuất khẩu sang các thị trường khu vực châu Âu cũng ghi nhận sự tăng mạnh 33,6% đạt 50.769 tấn. Trong đó đứng đầu khu vực là Đức đạt 12.777 tấn, tăng 87,1%; Hà Lan: 8.065 tấn, tăng 35,4%.
Năm 2014 lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam lập kỷ lục 1,2 tỷ USD. Tuy nhiên, việc nông dân ở nhiều tỉnh ồ ạt mở rộng diện tích trồng hồ tiêu, kể cả ở những nơi không phù hợp với loại cây này khiến sản lượng tăng mạnh, cung vượt cầu dẫn tới giá liên tục giảm mạnh.
Có thời điểm, giá hồ tiêu xuống dưới giá thành, nông dân thua lỗ nặng, thu hẹp đáng kể diện tích hoặc chuyển sang cây trồng khác. Từ đó đến nay, xuất khẩu hồ tiêu đã mất mốc 1 tỷ USD và liên tục rời xa mốc này. Tuy nhiên, sau 9 tháng năm 2024, lần đầu tiên sau 10 năm, xuất khẩu tiêu đã giành được mốc 1 tỷ USD, và có thể sẽ lập mốc kỷ lục cao nhất từ trước tới nay với 1,3 tỷ USD khi kết thúc năm 2024.
Nhiều doanh nghiệp cũng nhận định, hết tháng 9 xuất khẩu tiêu đã giành được mốc 1 tỷ USD, 3 tháng cuối năm xuất khẩu tiêu đạt mốc 1,3 tỷ không mấy khó khăn. Lý do dù giá có nhiều biến động song vẫn giữ ở mức tăng trưởng cao vì nguồn cung cơ bản vẫn thiếu chưa đáp ứng được với nhu cầu từ thị trường.
Khanh Lê