Trồng đa cây ăn trái để giảm rủi ro về giá

01/03/2023 08:44:20 GMT+7

Năm 1998, anh Tòng rời quê hương Bình Định đến xã Kiến Thành lập nghiệp. Có được số vốn kha khá từ quê mang vào, anh mua được 5 ha đất và bắt đầu hành trình khởi nghiệp trên vùng đất mới.

Lớn lên từ đồng ruộng, chưa có nhiều kiến thức về cây lâu năm, anh Tòng vừa trồng cà phê, vừa học hỏi người dân địa phương kỹ thuật chăm sóc.

Sau một thời gian, cà phê cho thu hoạch, nhưng hiệu quả kinh tế không cao, tốn nhiều công sức. Trong khi đó, anh nhận thấy cây ăn quả phù hợp với vùng đất Kiến Thành.

Do đó, anh Tòng từng bước chuyển đổi trồng xen các loại cây ăn trái trong vườn cà phê. Có hàng chục loại cây ăn trái được anh lần lượt trồng thử nghiệm. Qua sàng lọc, giống nào phù hợp đều được anh đầu tư mở rộng.

Anh Tòng cho biết, lúc đầu khi chuyển đổi trồng cây ăn trái như sầu riêng, bơ, cam..., anh gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật canh tác. Vì mỗi loại cây trồng đòi hỏi có những quy trình chăm sóc khác nhau.

Trong khi vườn cây của anh chủ yếu được trồng xen, nên việc áp dụng quy trình chăm sóc riêng biệt sẽ mất rất nhiều thời gian, công cán.

Anh Tòng tạo nhiều nguồn thu từ việc trồng đa cây để giảm rủi ro về giá bán 

Từ những khó khăn, anh bắt đầu tìm tòi, học hỏi, tham quan cách làm từ các mô hình trong và ngoài tỉnh. Anh cũng nghiên cứu, tìm hiểu kiến thức sản xuất qua các phương tiện thông tin đại chúng…

Sau một thời gian, anh đã làm chủ kỹ thuật trồng, chăm sóc vườn cây ăn trái. Nhờ đó, hầu hết cây trồng của anh đều phát triển xanh tốt, cho thu nhập ổn định.

Bên cạnh đó, để mang lại hiệu quả kinh tế, anh tìm hiểu, nắm bắt thị trường. Anh dần dần chuyển đổi cây trồng một cách phù hợp để tránh rủi ro.

Đến nay, anh đã có 6 ha cây ăn trái. Trong đó, anh có 300 cây sầu riêng cho thu chính; 300 cây bưởi, 2.000 cây cam bắt đầu cho thu hoạch…

Năm vừa qua, anh thu được 50 tấn sầu riêng, 15 tấn cam, mang về nguồn thu nhập khoảng 2 tỷ đồng đã trừ chi phí. Ngoài ra, một số cây trồng như mít, măng cụt... vẫn đang được anh trồng thử nghiệm trên vườn.

Theo anh Tòng, trồng cây nào anh cũng tính toán để hình thành hệ sinh thái, khai thác được hiệu quả sự tương trợ lẫn nhau và mang lại hiệu quả kinh tế cao trên 1 đơn vị diện tích đất.

Khi anh trồng bưởi, cam, sầu riêng đều có sự tính toán khoảng cách để các loại cây trồng này không cạnh tranh nhau về không gian, thuận lợi trong quá trình chăm sóc.

Vườn cây ăn trái của anh Tòng được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP

Vườn cây ăn trái của anh Tòng hiện nay đã đạt chứng nhận VietGAP và đang trở thành điểm tham quan học hỏi của nhiều nông dân địa phương.

Ông Nguyễn Thành Nên, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đắk R’lấp đánh giá, mô hình canh tác của anh Tòng đã phát huy hiệu quả điều kiện tự nhiên của địa phương.

Anh Tòng là nông dân có kiến thức về nông nghiệp. Anh đã linh hoạt, sáng tạo trong sản xuất, cần cù chịu khó tìm hiểu kiến thức về các loại cây trồng và áp dụng hiệu quả.

"Mô hình của anh Tòng đang là điểm đến để học hỏi kinh nghiệm của người dân trên địa bàn thời gian qua", ông Nên cho biết.

Đức Hùng

Nguồn "Báo Đắk Nông điện tử"
Bottom