Tăng cường phòng, chống sâu keo mùa thu

07/09/2019 10:47:41 GMT+7

Theo đó, vụ hè thu 2019 toàn tỉnh có khoảng 57.400 ha ngô, tập trung tại các huyện Krông Pắc, Krông Bông, Ea H’leo, Cư M’gar. Từ đầu vụ đến nay đã có hơn 4.300 ha bị sâu keo mùa thu gây hại. Sâu keo mùa thu (Spodoptera frugiperda) là loại sâu hại mới, xâm nhập vào Việt Nam từ tháng 4-2019. Loài sâu này có khả năng di trú xa, vòng đời ngắn, có nhiều lứa và thời gian các lứa sâu đan xen nhau, có thể ký chủ gây hại hơn 300 loài thực vật gồm ngô, bông, đậu tương, lúa, mía, cây rau, cà...

Cán bộ ngành Nông nghiệp kiểm tra tình trạng sâu keo mùa thu gây hại trên cây ngô ở huyện Krông Bông

Để phòng, chống hiệu quả, chính quyền địa phương các cấp cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân phát hiện và chủ động phòng, trừ sâu keo mùa thu; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, thành lập tổ dịch vụ bảo vệ thực vật triển khai phòng chống sâu keo mùa thu và các sinh vật gây hại khác đồng bộ trên diện rộng. Trung tâm Khuyến nông tỉnh lồng ghép vào các hoạt động để thông tin về đặc tính sinh học và khuyến cáo nông dân áp dụng biện pháp sinh học, sử dụng bẫy thả thu bắt và tiêu diệt sâu trưởng thành, thu gom diệt ổ trứng, sâu non, vệ sinh đồng ruộng thường xuyên. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hướng dẫn các địa phương bố trí mùa vụ hợp lý để hạn chế tác hại của sâu keo; tăng cường tổ chức, tập huấn, theo dõi các biện pháp quản lý sâu keo mùa thu… Trường hợp sâu keo xuất hiện với mật độ cao, bà con nông dân nên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chứa một trong các hoạt chất Bacillus thuringiensis, Spinetoram, Lufenuron, Indoxacarb theo nguyên tắc 4 đúng nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng vẫn phòng trừ hiệu quả.

Thanh Hường

nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”
Bottom