Cà phê là mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao trong 9 tháng đầu năm 2024. Ảnh: Hải Yến.
Duy trì xuất siêu
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, 9 tháng đầu năm 2024, giá trị sản xuất của toàn ngành nông nghiệp tăng trưởng hơn 3%. Về hoạt động xuất khẩu, trong tháng 9, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 5,85 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 46,28 tỷ USD, tăng 21%. Đáng chú ý, trong 9 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực đều cao hơn cùng kỳ năm trước. Riêng với hoạt động xuất khẩu gạo, trước bối cảnh Ấn Độ vừa gỡ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho hay, đây không phải lần đầu tiên Ấn Độ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo. Hiện nay, gạo Việt Nam đã có thị phần, giá trị, chất lượng tương đối ổn định. 9 tháng qua, Việt Nam đã xuất khẩu 7 triệu tấn gạo với giá trị 4,37 tỷ USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, mặc dù sản xuất cây lâu năm trong tháng 9 bị ảnh hưởng bởi bão, lũ, nhưng tính chung 9 tháng vẫn đạt khá. Nhiều diện tích cây ăn quả được trồng mới từ những năm trước nay đã vào kỳ thu hoạch. Tổng diện tích cây ăn quả đạt 1.281,1 nghìn ha, tăng 27,7 nghìn ha, tăng 2,2% so với năm 2023. Hầu hết cây ăn quả chủ lực đạt sản lượng cao hơn so với cùng kỳ, trong đó: sản lượng sầu riêng 984,8 nghìn tấn, tăng 16,6%; xoài 858,4 nghìn tấn tăng 3,6%; cam 1.084,4 nghìn tấn, tăng 2,3%. Đối với ngành chăn nuôi, tổng sản lượng thịt hơi trong 9 tháng đạt 6,13 triệu tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, việc phê duyệt và triển khai các Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang các thị trường lớn như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU... từ cuối năm 2023, kết hợp triển khai các giải pháp mở cửa thị trường, tìm kiếm, ký kết các đơn hàng mới trong năm 2024 đã mang lại kết quả tích cực, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng 21%, duy trì xuất siêu.
Tập trung nguồn lực về đích
Trong bối cảnh ngành nông nghiệp vừa bị thiệt hại nghiêm trọng sau bão số 3, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, trong tháng 10/2024, nhiệm vụ của ngành nông nghiệp và các địa phương phía Bắc là khẩn trương khôi phục sản xuất nông lâm thủy sản sau cơn bão số 3. Toàn ngành phấn đấu hoàn thành các mục tiêu: Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 3,2 - 4,0%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản cả năm 57 - 58 tỷ USD. Với lĩnh vực thủy sản, năm 2024, ngành thủy sản đặt mục tiêu giá trị sản xuất tăng 3,7 - 4%, tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 9 triệu tấn.
“Để đảm bảo mục tiêu về đích từ nay đến cuối năm, trước mắt, các địa phương cần nhanh chóng khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất sau bão số 3 về nuôi trồng và khai thác thủy sản. Bộ NNPTNT sẽ chỉ đạo xây dựng kế hoạch sản xuất cụ thể, đặc biệt kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa; nắm bắt tình hình sản lượng các loại cây ăn quả chủ lực phục vụ xuất khẩu. Đồng thời, nắm bắt tình hình giá cả, nguồn cung các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, báo cáo Tổ điều hành Thị trường trong nước và Ban Chỉ đạo giá của Chính phủ; phối hợp với các địa phương hỗ trợ kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông sản vào vụ thu hoạch. Để từ đó, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức” - Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.
Để đẩy mạnh xuất khẩu, Bộ NNPTNT cho biết, sẽ tiếp tục tận dụng các FTAs, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới; phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài.