Báo cáo của Tổng cục Thống kê ngày 29/7 cho biết, trong tháng 7/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của cả nước ước đạt 69,72 tỷ USD, tăng 8,7% so với tháng trước và tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7 ước đạt 35,92 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước và tăng 19,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 226,98 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 63,08 tỷ USD, tăng 21,1%, chiếm 27,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 163,9 tỷ USD, tăng 13,8%, chiếm 72,2%. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7/2024 ước đạt 33,8 tỷ USD, tăng 11% so với tháng trước và tăng 24,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 7 tháng, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 212,9 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 78 tỷ USD, tăng 21,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 134,9 tỷ USD, tăng 16,9%.
Cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 7 tháng vừa qua tập trung vào nhóm hàng tư liệu sản xuất, ước đạt 199,88 tỷ USD, chiếm 93,9%.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 66,1 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 79,2 tỷ USD.
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 7 ước tính xuất siêu 2,12 tỷ USD. Tính chung 7 tháng, cán cân thương mại hàng hóa ước xuất siêu 14,08 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 16,5 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 14,92 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 29 tỷ USD.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam đã và đang có nhiều khởi sắc, mang lại những tín hiệu tích cực. Các địa phương đã từng bước triển khai các kế hoạch cụ thể để hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc mở rộng thị trường.
Hiện Bộ Công thương đang đẩy nhanh tiến độ và nỗ lực để kết thúc sớm đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) giữa Việt Nam và UAE. Song song đó, tiếp tục triển khai đa đạng các hình thức để tận dụng những ưu đãi về thuế quan từ các FTA đã thực thi.
Về thị trường trong nước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 7/2024 ước đạt 528,3 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 7 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.625,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 10,6%) nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,2% (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,8%).
Tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tháng 7/2024 theo đúng kế hoạch. Trong đó, diện tích lúa thu đông ở vùng đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục tăng, đạt 297,1 nghìn ha, bằng 110,7% cùng kỳ năm 2023. Ngoài ra, diện tích rừng bị thiệt hại cả nước khoảng 80ha, giảm 61,1% so với năm 2023.
|