Mở rộng tái canh cà phê ra cả nước, tăng thu nhập 1,5 đến 2 lần

15/07/2022 08:10:00 GMT+7

Dự án VnSAT "tiếp sức" đắc lực

Theo Cục Trồng trọt, giai đoạn 2014 - 2022, diện tích tái canh và ghép cải tạo cà phê vùng Tây Nguyên đạt hơn 129 nghìn ha (đạt trên 107,5% kế hoạch). Tính lũy kế, diện tích tái canh và ghép cải tạo cà phê từ năm 2011 - 2021 đạt 166.579 ha.

Hầu hết diện tích cà phê tái canh được trồng bằng giống mới, cây sinh trưởng, phát triển tốt và cho năng suất cao. Cà phê mới mang lại chất lượng tốt và hiệu quả kinh tế rất rõ rệt, góp phần vào chương trình phát triển cà phê bền vững.

Theo ông Lê Văn Đức, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, chương trình tái canh cà phê đã đem lại một số hiệu quả như trẻ hóa vườn cây cà phê già cỗi, sâu bệnh, năng suất thấp không còn khả năng phục hồi. Năng suất của các vườn tái canh đạt trung bình 2,8 tấn/ha, vượt 0,1 tấn/ha so với mục tiêu.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh (bìa trái) kiểm tra vườn cà phê tái canh do Dự án VnSAT hỗ trợ. Ảnh: Minh Quý

Đề án tái canh cà phê đã đưa vào trồng tái canh phần lớn các giống cà phê vối cao sản mới, không những cho năng suất cao, chất lượng nhân tốt mà còn chống chịu bệnh gỉ sắt rất tốt như TR4, TR9, TR11, TR13, TRS1...

Một số giống như TR4, TR15, Cà phê dây, Xanh lùn có thời điểm chín muộn (từ tháng 1 đến tháng 2), đã vào mùa khô ở Tây Nguyên nên rất thuận lợi cho việc thu hái, chế biến sản phẩm, giảm áp lực công thu hoạch, nhất là giảm được một đợt tưới so với các giống chín sớm, chín trung bình.

Đặc biệt, Dự án VnSAT đã góp phần tạo nên sự thành công của đề án tái canh giai đoạn 2014 - 2022. "Dự án VnSAT đã hỗ trợ hàng nghìn lớp tập huấn kỹ thuật về cà phê bền vững và thực hành tái canh; xây dựng các mô hình trình diễn nhằm phục vụ học tập; hỗ trợ xây dựng hàng chục vườn ươm, lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm; thành lập, củng cố các tổ chức nông dân, HTX. Đặc biệt, Dự án có khoản tín dụng cho nông dân vay tái canh cà phê", ông Đức chia sẻ.

Ông Cao Thanh Sơn, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án VnSAT Trung ương cho biết, sau gần 6 năm thực hiện, hoạt động tái canh của Dự án đã đạt được nhiều kết quả tích cực, phát huy được hiệu quả đầu tư.

Cụ thể, Dự án đã đào tạo, tập huấn tái canh cho 30.898 hộ nông dân (đạt 343% so với kế hoạch ban đầu) với 29.899 ha được áp dụng kỹ thuật đào tạo, tập huấn (đạt 298% so với kế hoạch ban đầu).

Nhằm mục tiêu cung cấp nguồn giống tốt, đạt chuẩn cho việc tái canh 10.000 ha cà phê theo kế hoạch, Dự án đã ưu tiên một phần nguồn vốn để thực hiện các hoạt động chứng nhận, nâng cấp các vườn ươm giống nhà nước, vườn giống đầu dòng và 57 vườn ươm tư nhân.

Đến nay, Dự án đã chứng nhận được 51 vườn ươm tư nhân đạt tiêu chuẩn tham gia Dự án VnSAT (Đắk Lắk 16 vườn; Đắk Nông 9 vườn; Lâm Đồng 11 vườn; Gia Lai 12 vườn và Kon Tum 3 vườn); hỗ trợ nâng cấp 11 vườn ươm nhà nước và 21 vườn ươm tư nhân. Các vườn ươm được nâng cấp đã cung cấp ra thị trường hơn 12,6 triệu cây giống đảm bảo chất lượng cho tái canh 12.000 ha cà phê.

Đề án tái canh đã giúp năng suất, chất lượng cà phê tại Tây Nguyên nâng cao rõ rệt. Ảnh: Minh Hậu

Thông qua các hoạt động hỗ trợ tích cực, đến nay diện tích cà phê tái canh trong vùng Dự án VnSAT đã thực hiện được 18.283 ha, đạt 183% mục tiêu đề ra. Trong đó, Đắk Lắk là địa phương có diện tích tái canh lớn nhất với 6.251 ha, đạt 208% kế hoạch ban đầu.

“Nhờ các chương trình đào tạo, tập huấn kỹ thuật của Dự án và được sử dụng nguồn giống cà phê đạt chuẩn nên các vườn cà phê tái canh trong vùng Dự án đều sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, tỷ lệ tái canh thành công đạt trên 95%”, ông Cao Thanh Sơn cho biết

Cũng theo ông Sơn, để thúc đẩy, hỗ trợ nông dân trồng cà phê có nguồn vốn tái canh, Dự án VnSAT đã bố trí 54,6 triệu USD để cung cấp các khoản vay dài hạn. Hạn mức tối đa cho vay tái canh của Dự án lên tới 400 triệu đồng/ha; thời gian vay tái canh vay tối đa 9 năm, với lãi suất ân hạn 6,5% trong 3 năm kiến thiết cơ bản của vườn cây. Tính đến nay, tổng diện tích cà phê tái canh được tiếp cận nguồn vốn tín dụng là 11.922 ha, với tổng vốn cho vay lên đến 2.002 tỷ đồng.

“Các hộ dân vay vốn đều đáp ứng được các tiêu chí như đào tạo, tập huấn về kỹ thuật tái canh của Dự án; sử dụng giống  phê tại các vườn được Dự án chứng nhận. Các quy định này đã giúp đảm bảo, nâng cao chất lượng tái canh của Dự án. Đến nay, có thể khẳng định Dự án VnSAT đã góp phần quan trọng trong thành công của Đề án tái canh cà phê giai đoạn 2014 - 2022 của Bộ NN-PTNT”, ông Sơn đánh giá

Mở rộng tái canh ra cả nước

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, Đề án tái canh đã đem lại hiệu quả rõ rệt cho ngành cà phê Việt Nam. Cụ thể, tái canh đã giúp tăng năng suất và sản lượng cà phê Việt Nam. Năng suất cà phê Việt Nam năm 2011 là 23,5 tạ/ha đã tăng lên 28,2 tạ/ha năm 2021 và sản lượng tăng từ 1,27 triệu tấn lên 1,81 triệu tấn.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, để đạt được kết quả đáng khích lệ này, có chỉ đạo hiệu quả của các bộ ngành trung ương, Ngân hàng Nhà nước, sự triển khai tích cực, đồng bộ của các địa phương và Dự án VnSAT; sự phối kết hợp của Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam với người trồng cà phê và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cà phê..

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh (giữa) đánh giá chất lượng cà phê sau tái canh đã giúp ngành hàng này cạnh tranh với các quốc gia xuất khẩu khác. Ảnh: Minh Quý.

Từ những thành công của Đề án tái canh cà phê giai đoạn 2014 - 2020, Bộ NN-PTNT tiếp tục phê duyệt đề án tái canh cà phê giai đoạn 2021 - 2025. Đề án tái canh cà phê giai đoạn 2021 - 2025 không chỉ thực hiện ở 5 tỉnh Tây Nguyên mà còn được mở rộng ở các tỉnh cà phê khác như Sơn La, Điện Biên, Quảng Trị, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Để đề án tái canh giai đoạn 2021 - 2025 thành công, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh yêu cầu các địa phương cần tiếp tục rà soát, phân loại, xác định diện tích cà phê già cỗi của từng hộ để xây dựng kế hoạch tái canh, ghép cải tạo cho từng năm, sát với thực tế từng tỉnh.

Đối với các diện tích cà phê không có nước tưới, đất quá dốc, tầng đất mỏng, cần chuyển đổi sang cây trồng khác. Diện tích cà phê già cỗi bắt buộc phải tái canh cần xác định rõ diện tích có thể tái canh ngay, diện tích cần phải luân canh 1 năm, 2 năm hay 3 năm…, kết hợp trồng xen cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm theo quy trình đã được Bộ NN-PTNT ban hành.

Bên cạnh đó, các địa phương cần quan tâm hơn nữa đến việc bình tuyển, công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng để nhân nhanh các giống mới đưa vào tái canh. Các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN-PTNT tiếp tục bổ sung hoàn thiện quy trình tái canh, đặc biệt là quy trình tái canh cho cà phê chè phù hợp với các địa phương như Sơn La, Điện Biên, Quảng Trị.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh giao Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) tiếp tục nghiên cứu, khảo nghiệm để đưa vào sản xuất các giống cà phê mới phục vụ nhu cầu tái canh của các tỉnh, chú ý đến bộ giống cà phê chè phù hợp cho cả vùng miền Trung và vùng Tây Bắc.

Tái canh đã giúp thay đổi diện mạo ngành hàng cà phê của Việt Nam. Ảnh: Minh Hậu

Cùng đó, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các tổ chức quốc tế phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ NN-PTNT, các địa phương tiến hành xây dựng các tài liệu kỹ thuật, tổ chức các lớp tập huấn về tái canh để hỗ trợ trực tiếp người dân trong suốt quá trình tái canh.

Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại tiếp tục có những chính sách ưu tiên cho vay vốn, đơn giản hóa các thủ tục cho vay để người dân có thể tiếp cận được nguồn vốn phục vụ tái canh

Trong gian đoạn 2021 - 2025, Bộ NN-PTNT đặt mục tiêu trồng tái canh và ghép cải tạo khoảng 107 nghìn ha cà phê; trong đó, trồng tái canh 75 nghìn ha, ghép cải tạo 32 nghìn ha. Năng suất vườn cà phê sau khi trồng tái canh và ghép cải tạo ở thời kỳ kinh doanh ổn định đạt bình quân 3,5 tấn nhân/ha. Người dân có thu nhập/ha cà phê sau khi trồng tái canh và ghép cải tạo tăng 1,5 - 2 lần so với trước khi tái canh

Minh Quý - Minh Hậu

 

Nguồn: nongnghiep.vn
Bottom