“Vua” xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam: Ở đỉnh cao, nếu không tiếp tục sáng tạo, doanh nghiệp sẽ thụt lùi

29/09/2021 16:04:11 GMT+7

“Doanh nghiệp phải luôn sáng tạo. Thành công trong quá khứ nhưng nếu không tiếp tục sáng tạo thì không có nghĩa sẽ tiếp tục thành công trong tương lai”, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group chia sẻ về một trong những lý do khiến Phúc Sinh nghiên cứu sản xuất sản phẩm tiêu xanh sấy lạnh có giá bán xuất khẩu gấp bình quân 6 lần tiêu đen.

Theo số liệu do Phúc Sinh công bố, đơn vị này đứng số 1 Việt Nam từ năm 2006 đến nay, về xuất khẩu tiêu với 8% thị phần toàn cầu cũng như được mệnh danh là “Vua” xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam.

Bình quân mỗi năm Phúc Sinh xuất khẩu từ 25.000-28.000 tấn tiêu, trong đó, 90% sản phẩm đã qua chế biến.

Doanh số Phúc Sinh Group dự kiến đạt 220 triệu USD năm 2019 (80 triệu USD đến từ xuất khẩu tiêu).

Nhà sáng lập, Chủ tịch Phúc Sinh Group chưa khi nào quên câu hỏi mà hầu như đối tác nhập khẩu nào cũng nhắc đi nhắc lại với ông rằng: “Tại sao dù xuất khẩu rất nhiều sản phẩm ngon lành nhưng khi đến Việt Nam, chúng tôi không thấy có nhiều sản phẩm ngon lành như vậy?”.

“Là đơn vị sản xuất lớn trong ngành, Phúc Sinh không thể mãi trốn tránh câu hỏi ấy. Chúng tôi cũng không thể đợi thế hệ sau này thực hiện mà chính mình phải bắt tay vào làm”, ông Phan Minh Thông nói về quyết định, dành khoảng 40% tổng sản lượng tiêu xanh sấy lạnh có thể sản xuất trong năm nay cho thị trường nội địa qua hệ thống siêu thị.  

Thực tế, sản phẩm đã ra mắt và được xuất khẩu 25 tấn đến đối tác nước tại Mỹ, Bắc Mỹ, Đức, Thuỵ Sỹ,… từ năm 2018. Theo kế hoạch, tổng sản lượng sản xuất đến năm 2020 là 50 tấn.

Trao đổi với PV, ông Thông cho biết khi đạt sản lượng sản xuất cũng như xuất khẩu gấp đôi hiện nay, sản phẩm tiêu xanh sấy lạnh cũng như sốt tiêu xanh có thể đóng góp 20% tổng lợi nhuận Phúc Sinh Group.

Được biết, biên lợi nhuận gộp của tiêu xanh sấy lạnh đạt từ 70-80%. Giá tiêu đen xuất khẩu của Phúc Sinh khoảng 2,5 USD/kg trong khi đó, tiêu xanh sấy lạnh từ 14-18 USD/kg, gấp 6 bình quân lần.

“Tôi chưa tính được tổng nhu cầu thị trường tiêu xanh sấy lạnh, mà hiện Phúc Sinh chỉ có thể nhận cung cấp 30% tổng nhu cầu khách đang đặt hàng”, ông Thông cho biết.

Dù là đơn vị xuất khẩu nhiều tiêu nhưng 7 năm trước, khi vào một siêu thị tại Đức, ông Thông thấy một lọ tiêu xanh và phát hiện Việt Nam chưa đơn vị nào sản xuất sản phẩm này.

Sau quá trình tìm hiểu, Phúc Sinh bắt đầu làm nhà máy từ 2014 và một năm sau đó sản phẩm nước sốt tiêu xanh ra đời. Ông Thông nói đến nay, Phúc Sinh là công ty duy nhất tại Việt Nam xuất khẩu nước sốt tiêu xanh. 

“Dù xuất khẩu rất nhiều tiêu nhưng nếu muốn kiếm được nhiều tiền hơn, chế biến sâu hơn thì phải sáng tạo”, ông Thông nhớ lại câu nói khi trao đổi với bộ phận nghiên cứu và phát triển của Phúc Sinh.

Từ những dữ liệu lạc quan cho sản xuất tiêu xanh sấy lạnh, Phúc Sinh Group đặt mua máy móc từ Đức và mất hơn 1 năm xây dựng nhà máy cho đến khi có thành phẩm.

Khi gửi đến khách hàng thử, ông Thông nói họ “cực kỳ yêu thích, ban đầu còn ngạc nhiên và tưởng là hạt đậu bởi từ trước đến nay chỉ biết đến trụ và hạt tiêu xanh qua phim ảnh”.

“Sau một năm xuất khẩu, tôi nhìn lại và phải thừa nhận rằng, tiêu mang lại sự thịnh vượng cho Phúc Sinh để tái đầu tư nhà máy, sản xuất”, ông Thông tự hào rồi đặt kỳ vọng vào tiêu xanh sấy lạnh không dùng chất bảo quản, có thời hạn sử dụng từ 6 tháng-18 tháng mà vẫn giữ lại toàn bộ hương và mùi vị của hạt tiêu trên cành tại vườn.

Với tiêu xanh sấy lạnh, nhà máy buộc phải gần vùng nguyên liệu bởi cần được đưa vào sơ chế và sản xuất từ 2-4 tiếng sau thu hoạch.

Những sản phẩm sốt tiêu xanh, tiêu xanh sấy lạnh dù chỉ vừa được Phúc Sinh ra mắt nhưng họ đã phải khởi động, nhiều điều chỉnh cật lực trong hơn 7 năm qua.

Để có những thành quả bước đầu, không phải một lần ông Thông hay đội ngũ nghiên cứu phát triển muốn dừng nghiên cứu sản xuất tiêu xanh sấy lạnh, bởi “các nhà sản xuất khi làm sản phẩm đầu tiên trên thị trường đều không biết hình hài của nó sẽ như thế nào”.

“Mỗi lần muốn từ bỏ, tôi ngủ một giấc rồi dậy chiến đấu tiếp. Để tăng biên lợi nhuận, tiến đến đa dạng sản phẩm chế biến sâu, thách thức không chỉ về đầu tư máy móc hay tiền mà còn đòi hỏi sự kiên định”, ông Phan Minh Thông tự tin đây là những lợi thế Phúc Sinh đang có và không nghĩ, đơn vị nào có thể dễ dàng “copy được sự yêu thích hay tư duy: Khi ở đỉnh cao nếu không tiếp tục sáng tạo thì doanh nghiệp sẽ thụt lùi”.

Bây giờ Phúc Sinh cũng đang khởi động nhiều sản phẩm mới. Ông Sinh vừa sang Campuchia, ăn thử tiêu muối lên men thấy rất ngon và thơm. Là người trong ngành, Chủ tịch Phúc Sinh Group nhìn đâu cũng thấy cơ hội...

PV

https://baodantoc.vn/vua-xuat-khau-ho-tieu-viet-nam-o-dinh-cao-neu-khong-tiep-tuc-sang-tao-doanh-nghiep-se-thut-lui-1631858520976.htm

 

Nguồn: baodantoc.vn
Bottom