Chủ động ứng dụng các giải pháp canh tác an toàn

01/06/2022 10:39:36 GMT+7

Nhắc đến cây vải ở Krông Pắc phải nhắc đến ông Nguyễn Trọng Hải (tổ dân phố 17, thị trấn Phước An). Ông hiện đang sở hữu vườn vải rộng hơn 3 ha, trồng từ 20 năm trước. Ông cho biết, trồng vải ngoài việc nắm vững quy trình kỹ thuật như khoanh vỏ gốc, cắt cành, hãm nước… thì còn phải thường xuyên kiểm tra, phòng trừ các loại sâu bệnh hại.

Nông dân tìm hiểu các sản phẩm phân bón hữu cơ tại cửa hàng Trúc Phượng.

Nhiều năm qua, ông Hải đã chuyển đổi dần các biện pháp chăm bón, phòng trừ sâu bệnh từ sản phẩm hóa học sang các sản phẩm sinh học, hữu cơ tự chế. Mỗi năm, ông sử dụng khoảng 1 tấn đạm cá lên men bằng công nghệ IMO để chăm bón cho vườn vải. Bằng lượng đạm cá tự ủ này cùng với phân gà đã qua xử lý, ông tiết kiệm được 50% chi phí phân bón hóa học so với trước đây. Ngoài ra, từ dung dịch IMO gốc, ông còn tự làm ra thuốc bảo vệ thực vật sinh học bằng cách ủ cùng các loại nguyên liệu quen thuộc như tỏi, ớt, sả, gừng, men rượu… phòng trừ rất hiệu quả các loại sâu hại phổ biến như rầy, rệp, bọ xít, sâu đục quả…

Nhờ ứng dụng các giải pháp sinh học, hữu cơ thay thế phần lớn các can thiệp hóa học, môi trường sinh thái trong vườn luôn được cân bằng, cây vải thích nghi và sinh trưởng tốt với khả năng chống chịu sâu bệnh hại tốt hơn nhiều so với trước đây. Năng suất và chất lượng trái vải cũng ổn định, vị ngọt, cùi dày, được các đơn vị thu mua bao tiêu và đánh giá cao.

Gia đình anh Nguyễn Văn Quang (thôn Tân Trung, xã Ea Kênh) có 1,5 ha sầu riêng, cũng đã chuyển đổi sang các giải pháp hữu cơ, sinh học để canh tác bền vững gần 3 năm qua. Anh chia sẻ, sầu riêng là nguồn sinh kế của gia đình nên anh luôn chú tâm tìm tòi các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng quả song song với duy trì độ bền, khỏe của vườn cây. Hiện, anh đã thay thế khoảng 80% phân bón hóa học bằng các sản phẩm như: phân hữu cơ Toba, dung dịch thủy phân trùn quế, đạm cá, dung dịch tảo biển… do những đơn vị có uy tín cung cấp. Các giải pháp phòng trừ sâu bệnh cũng được ưu tiên các loại thuốc sinh học chứa các hoạt chất tổng hợp từ vi sinh vật như Abamectin, Emamectin benzoate… Những dòng thuốc này dù công dụng có chậm hơn thuốc hóa học nhưng bù lại, chúng ít ảnh hưởng đến các sinh vật có lợi và sức khoẻ người sản xuất, đảm bảo an toàn cho sản phẩm khi thu hoạch.

Để nông dân có nhận thức đúng, chuyển đổi hiệu quả sang các giải pháp canh tác an toàn, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn từ phía các cơ quan chức năng thì còn có sự đóng góp không nhỏ của các đơn vị kinh doanh vật tư nông nghiệp. Tại cửa hàng Trúc Phượng (thị trấn Phước An), sản phẩm bảo vệ thực vật, phân bón có nguồn gốc hữu cơ, sinh học được bố trí ở một gian hàng riêng theo từng nhóm chủng loại để khách hàng dễ tiếp cận. Anh Nguyễn Công Thoại, chủ cửa hàng cho biết, những năm gần đây, mức độ quan tâm, sử dụng các giải pháp hữu cơ, sinh học của bà con nông dân đã tăng lên rất nhiều. Các sản phẩm sinh học hiện nay cũng rất đa dạng, có tác dụng phòng, trị bệnh ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng của các loại cây ngắn ngày, cây dài ngày. Tùy vào nguồn gốc bào chế mà công dụng cũng như cách sử dụng mỗi loại khác nhau. Vì thế, tại cửa hàng luôn có nhân viên tư vấn cụ thể giúp bà con lựa chọn được sản phẩm phù hợp, hiệu quả.

Nhân viên cửa hàng vật tư nông nghiệp Trúc Phượng (thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc) tư vấn sản phẩm bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học cho nông dân.

Bên cạnh đó, anh Thoại cũng tích cực phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng xây dựng các mô hình trình diễn trên địa bàn huyện, ưu tiên đặt các pa nô giới thiệu sản phẩm sinh học ở những vị trí dễ tiếp cận của cửa hàng. Hiệu quả rõ nhất có thể thấy được là doanh thu của các sản phẩm hữu cơ, sinh học tại cửa hàng luôn duy trì mức tăng trưởng tốt, bà con cũng yên tâm chọn cửa hàng làm “cầu nối” đến các giải pháp canh tác an toàn, bền vững.

Theo đánh giá của nhiều nông dân, lợi ích của việc chuyển đổi sang các giải pháp hữu cơ, sinh học thì rất nhiều, không chỉ đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và người trực tiếp sản xuất, cân bằng môi trường sinh thái mà còn tiết kiệm chi phí hơn so với các giải pháp hóa học. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn ngần ngại áp dụng vì ứng dụng canh tác an toàn không chỉ cần có sự kiên trì mà còn phải bỏ nhiều công lao động hơn so với lối canh tác cũ. Chính vì vậy, cùng với sự quan tâm, khuyến khích từ các cơ quan chức năng, việc hình thành các mô hình liên kết sản xuất cũng sẽ giúp nông dân tự tin, mạnh dạn hơn trong việc ứng dụng các giải pháp canh tác an toàn, góp phần tăng giá trị và lợi thế cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp địa phương.

Đinh Nga

Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”
Bottom