Cách phòng trừ sâu bệnh cà phê hiệu quả

20/11/2021 10:47:20 GMT+7

Thời gian qua, nhiều vùng sản xuất cà phê trên địa bàn tỉnh đã thực hiện các quy trình sản xuất có chứng nhận, theo hướng hữu cơ. Điều này không chỉ làm ra sản phẩm cà phê sạch, mà còn bảo vệ môi trường sinh thái, sức khỏe con người.

Gia đình anh Nguyễn Văn Minh, ở thôn 11, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp), có hơn 2 ha cà phê. Những năm trước, anh chủ yếu sử dụng thuốc trừ sâu để bảo vệ vườn cây mỗi khi sâu hại tấn công.

Thế nhưng, thời gian gần đây, khi tham quan các vườn cà phê canh tác theo tiêu chuẩn UTZ, 4C của những hộ khác, anh Minh đã thay đổi cách thức chăm sóc vườn cà phê của mình.

Theo đó, khi bị sâu hại tấn công, anh sử dụng các chế phẩm sinh học để diệt trừ. Anh chủ yếu dùng phân hữu cơ để cung cấp cho cà phê. Phân chủ yếu được tạo bằng vỏ cà phê ủ hoai mục.

Từ đó, môi trường sinh thái vườn cây dần được cải thiện, các loại vi khuẩn, côn trùng có ích xuất hiện nhiều hơn. Đất vườn cà phê của anh trở nên tơi xốp, tăng độ mùn, giữ ẩm tốt, cung cấp chất hữu cơ cho cây nhiều hơn.

Anh Minh cho biết: “Sau một thời gian, hệ sinh thái vườn cà phê được cân bằng. Vườn cà phê cũng vì thế phát triển tốt, mang lại năng suất cao hơn trước đây khá nhiều”.

Người dân thôn 11, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) ủ vỏ cà phê làm phân hữu cơ

Theo Sở Nông nghiệp - PTNT, thời gian qua, nhiều bà con nông dân đã áp dụng Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) cho vườn cà phê. Bà con chú trọng việc phòng bệnh nhiều hơn trị bệnh.

Phần lớn bà con thường xuyên kiểm tra vườn cây, phát hiện sâu bệnh sớm. Khi phát hiện sâu bệnh, bà con đều diệt trừ một cách phù hợp, không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Những cây cà phê xuất hiện sâu bệnh trên cành, bà con tiến hành cắt bỏ cành. Nếu số lượng cây nhiễm sâu hại nhiều, bà con khoanh vùng phun thuốc, không còn sử dụng thuốc đại trà như trước.

Cũng theo Sở Nông nghiệp – PTNT, áp dụng Chương trình IPM trên cây cà phê giúp nông dân giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

IPM giúp các nông hộ quản lý vườn cây hiệu quả hơn bằng cách áp dụng các thực hành nông nghiệp tốt (GAP) như: sử dụng giống tốt, tạo hình tỉa cành để cây thông thoáng, tạo bóng mát, bón phân cân đối, tưới nước đầy đủ, tủ gốc vào mùa khô, quản lý cỏ dại, quản lý đất…

Hiện tại nhiều địa phương trong tỉnh như: Đắk R’lấp, Đắk Song, Đắk Mil, Krông Nô… đã hình thành các vùng sản xuất cà phê bền vững, ứng dụng công nghệ cao và quản lý theo IPM.

Các nông hộ từng bước tiếp cận phương pháp quản lý sinh thái vườn cây, với mục tiêu là giảm dần hoặc loại bỏ việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, giúp cân bằng sinh thái trong vùng sản xuất.

Từ việc ưu tiên canh tác theo hướng sinh học, trong tương lai, bà con sẽ tiến tới loại bỏ hoàn toàn thuốc bảo vệ thực vật. Người dân sẽ tăng cường sử dụng các loại chế phẩm sinh học, hữu cơ để sản xuất cà phê đạt chất lượng cao…

Bài, ảnh: Văn Tâm

nguồn "Báo Đắk Nông điện tử"
Bottom