Quy hoạch và thực tế cây ăn quả còn xa nhau

25/09/2021 10:53:33 GMT+7

Cách đây hơn 5 năm, gia đình anh Trần Văn Tầm quyết định trồng gần 2 ha xoài Đài Loan tại khu rẫy ở xã Đắk Gằn (Đắk Mil). Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi và áp dụng quy trình kỹ thuật vào chăm sóc, vườn xoài của gia đình phát triển nhanh. Trong vụ thu hoạch vừa qua, mỗi ha xoài cho thu từ 8 - 10 tấn quả.

Mặc dù năng suất cao, nhưng giá xoài giảm sâu do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Sản phẩm xoài của gia đình anh Tầm gặp khó khăn về đầu ra. Có thời điểm, xoài bán tại vườn chưa tới 10.000 đồng/kg.

Anh Tầm cho biết, xoài rất được người dân các tỉnh khác, nhất là các tỉnh phía Bắc ưa chuộng. Năm nay do dịch bệnh, xe cộ đi lại ít, nên việc vận chuyển khó khăn, tốn kém hơn. Xoài cũng vì thế mà rất khó tiêu thụ.

"Vào chính vụ thu hoạch, sản lượng lớn và không thể bảo quản được, nên gia đình tôi cũng như nhiều hộ khác phải chịu chung cảnh bị thương lái ép giá", anh Tầm chia sẻ.

Người dân lo lắng về đầu ra trái cây mỗi khi đến vụ thu hoạch (Ảnh tư liệu)

Cùng cảnh ngộ trên, anh Trần Xuân Sơn, ở xã Đức Mạnh (Đắk Mil), thiệt hại khá nhiều khi giá sầu riêng giảm sâu. Những năm trước, với hơn 50 cây sầu riêng giống cũ trồng trong rẫy, năm nào gia đình anh Sơn cũng thu được cả trăm triệu. Nhưng năm nay, giá sầu riêng mua tại vườn chưa tới 10.000 đồng/kg, nguồn thu của gia đình đã giảm hơn 1 nửa.

“Sầu riêng ngon mà rớt giá thảm quá. Lúc nó chín rộ thì buộc phải bán. Được đồng nào hay đồng đó, lấy tiền phân bón cho vụ sau”, anh Sơn tâm sự.

Những năm gần đây, do các loại nông sản chủ lực như cà phê, tiêu… xuống giá, nên người dân trong tỉnh đã chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả. Diện tích cây ăn quả cũng vì thế mà tăng nhanh.

Nếu như năm 2015, toàn tỉnh có gần 5.000 ha cây ăn quả thì hiện con số này đã là trên 12.500 ha. Một số loại cây ăn quả có diện tích lớn như sầu riêng (trên 2.800 ha), bơ (trên 2.400 ha), xoài (khoảng 1.300 ha)… Cây ăn quả tập trung tại khu vực Cư Jút, Đắk Mil và Krông Nô.

Việc phát triển cây ăn quả giúp người dân khai thác tốt tiềm năng về điều kiện tự nhiên thuận lợi của tỉnh. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, phát triển cây ăn quả những năm qua chủ yếu diễn ra tự phát, quy mô nhỏ lẻ. Người dân chưa triển khai trồng cây ăn quả theo quy hoạch, kế hoạch của các ngành chuyên môn.

Về vấn đề này, ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Krông Nô cho rằng, phát triển cây ăn quả theo quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ đã khiến cho chất lượng sản phẩm không đồng đều.

Điều này làm các loại trái cây của Đắk Nông bị giảm sức cạnh tranh trên thị trường. Cùng với đó, do năng lực bảo quản, chế biến sản phẩm trái cây còn hạn chế, nên người dân gặp nhiều rủi mỗi khi đến vụ thu hoạch, nhất là khi thị trường có biến động, dịch bệnh.

Việc phát triển cây ăn quả hiện nay còn manh mún, diện tích nhỏ lẻ, chưa có sự gắn kết để tạo ra vùng nguyên liệu với sản phẩm có chất lượng đồng đều. Điều này gây khó khăn cho ngành Nông nghiệp trong việc hỗ trợ tiêu thụ và kêu gọi các nhà đầu tư vào bảo quản, chế biến sản phẩm trái cây.

Chất lượng sầu riêng không đồng đều do phát triển manh mún, nhỏ lẻ

Theo Sở Nông nghiệp - PTNT Đắk Nông, các loại cây ăn quả phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, nên sinh trưởng, phát triển nhanh, cho năng suất cao.

Tuy nhiên, việc phát triển cây ăn quả hiện nay còn manh mún, diện tích nhỏ lẻ, chưa có sự gắn kết để tạo ra vùng nguyên liệu với sản phẩm có chất lượng đồng đều. Điều này gây khó khăn cho ngành Nông nghiệp trong việc hỗ trợ tiêu thụ và kêu gọi các nhà đầu tư vào bảo quản, chế biến sản phẩm trái cây.

Phát triển manh mún, nhỏ lẻ cũng khiến cho khâu đồng bộ kỹ thuật sản xuất gặp khó khăn. Sản phẩm cũng vì thế mà chưa đồng đều, chất lượng không cao, giảm sút sức cạnh tranh trên thị trường.

Do đó, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục định hướng để người dân đầu tư, phát triển cây ăn trái theo hướng quy mô, bài bản hơn. Trong đó, việc định hướng phát triển theo quy hoạch, kế hoạch sẽ được chú trọng.

Ngành Nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ người dân tạo liên kết trong phát triển, sản xuất cây ăn trái, nhất là khâu sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm. Từ đó, dần hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, đủ sức cung ứng sản phẩm cho thị trường và thuận lợi hơn trong thu hút đầu tư vào khâu chế biến...

Bài, ảnh: Thanh Hà

nguồn "Báo Đắk Nông điện tử"
Bottom